Thỏa thuận trong hợp đồng lao động thế nào là không vi phạm?

Nếu người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận điều khoản nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì hợp đồng lao động đó không vi phạm pháp luật.

Bà Dương Thị My (TPHCM) ký hợp đồng lao động với công ty sản xuất, phân phối dược phẩm. Trong hợp đồng có điều khoản "không cho phép người lao động ký kết hợp đồng với công ty có cùng ngành nghề hoặc có xung đột lợi ích với công ty".

Bà My hỏi, quy định trên có đúng không? Trường hợp bà đã ký hợp đồng lao động thì có xem là đã chấp nhận thỏa thuận với công ty và công ty được phép yêu cầu tuân thủ thỏa thuận hay không?

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Tại Khoản 2 Điều 17 Bộ luật Lao động 2012 quy định nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.

Điều 21 Bộ luật Lao động 2012 quy định người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.

Tại Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định các nội dung hợp đồng lao động có các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.

Như vậy, nếu người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận điều khoản nêu trên nhằm bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì hợp đồng lao động đó không vi phạm pháp luật.

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Do đó, khi đã ký hợp đồng lao động và hợp đồng lao động đó có hiệu lực thì các bên có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ nội dung đã giao kết.

Theo Chinhphu.vn