6 lý do khiến hồ sơ xin việc bị từ chối

Thị trường việc làm luôn là một chiến trường phức tạp với các cuộc đối đầu giữa ứng viên với ứng viên, giữa nhà tuyển dụng với nhà tuyển dụng, và giữa nhà tuyển dụng với ứng viên.

6 lý do khiến hồ sơ xin việc bị từ chối


Nhưng đằng sau những yêu cầu phức tạp và đôi khi là không tưởng được đề cập trong các mẩu quảng cáo tuyển dụng, có một điều quan trọng bạn cần biết, đó là công ty nào cũng thực sự cần người giỏi để đóng góp vào sự phát triển của họ.

Để trở thành chiến binh nổi bật giữa trận chiến cam go này, bạn cần có năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn, mà còn trong cuộc chiến tìm việc. Bạn cần phải giữ tâm trí tỉnh táo trước những lời đồn như việc tốt rất khó tìm, việc tốt chỉ dành cho… người quen, việc tốt yêu cầu quá cao, hay sau 50 tuổi thì đừng mong tìm được việc... Nhu cầu nhân sự lúc nào cũng có và bạn sẽ tìm công việc tốt nếu tập trung cao độ.

Sau đây là 6 lưu ý giúp bạn thắng lợi ngay từ bước đầu “lâm trận”. Đó là hoàn thiện hồ sơ xin việc. Bạn không có cơ hội để trò chuyện hay giải thích gì với nhà tuyển dụng. Tất cả thông tin đều được thể hiện qua từ ngữ, do đó hãy cẩn thận với những gì bạn viết ra.

1. Lỗi chính tả và ngữ pháp

Không phải ai chúng ta cũng giỏi viết lách và việc làm hồ sơ xin việc quả thật là một thử thách với rất nhiều thông tin cần phải liệt kê. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đảm bảo mọi thứ suôn sẻ bằng cách sử dụng các mẫu có sẵn. Nhớ đọc lại, học nhờ ai đó giỏi tiếng Việt (hoặc tiếng Anh) đọc lại để rà soát những lỗi chính tả và ngữ pháp không đáng có.

2. Viết in hoa không hợp lý

Chuyện nghe như đùa nhưng sự thật là vẫn có những hồ sơ kỳ lạ như thế được gửi đến các nhà tuyển dụng hàng ngày. Không chỉ trong hồ sơ, mà một số người có thói quen viết in hoa toàn bộ ngay trong tiêu đề hay nội dung email. Chữ in hoa sẽ khiến người đọc có cảm giác bị hét vào mặt.

3. Kỹ năng không liên quan đến công việc

Thư xin việc và sơ yếu lý lịch phải thể hiện sự kết nối rõ ràng giữa năng lực, kinh nghiệm của bạn với công việc. Bạn có thể rất đa tài và có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, điều nhà tuyển dụng cần, chỉ là những kỹ năng phù hợp với yêu cầu mà họ đang tìm kiếm. Do đó, chỉ nên liệt kê những kinh nghiệm phù hợp với công việc mới.

Điều này cũng đúng trong trường hợp bạn thực sự muốn thử sức với lĩnh vực mới mà chưa trải qua vị trí nào liên quan. Ngoài ra, bạn cũng nên tạo sự đồng bộ giữa thư xin việc và sơ yếu lý lịch. Những kỹ năng quan trọng mà bạn muốn nhấn mạnh phải được thể hiện ở cả hai loại hồ sơ này.

4. Thiếu thông tin cụ thể

Điều đầu tiên nhà tuyển dụng nghĩ đến khi xem sơ yếu lý lịch là câu hỏi "Liệu người này có đầu tư thời gian cho hồ sơ xin việc của mình?".

Trong nhiều trường hợp câu trả lời là đáng buồn "Không." Nhà tuyển dụng muốn biết nơi bạn đã làm việc và những gì bạn từng làm ở đó. Sơ yếu lý lịch phải liệt kê đầy đủ chức danh, ngày tháng làm việc và mô tả cụ thể công việc đang làm.

5. Diễn đạt khó hiểu

Bạn có kiến thức và kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Vì thế, bạn chắc chắn có rất nhiều điều để kể cho nhà tuyển dụng về công việc cũ của mình. Tuy nhiên, hãy nhớ sử dụng những từ ngữ giản đơn để ai đọc vào cũng có thể hiểu. Bộ phận nhân sự sẽ là nơi nhận đơn trước tiên và có thể là họ sẽ rối trí với một hồ sơ dày đặc chữ.

Có một thái cực tiêu cực khác, đó là liệt kê mọi thứ một cách cụt lủn và cứng nhắc. Gạch đầu dòng là cách hiệu quả để trình bày thông tin rõ ràng nhưng hãy nhớ viết đầy đủ một câu có ý nghĩa.

6. Trình tự thời gian không chính xác

Kiểm tra cẩn thận các mốc thời gian của mọi thứ mà bạn liệt kê trong sơ yếu lý lịch. Lời khuyên từ các chuyên gia nhân sự là nên trình bày theo thứ tự từ mới nhất đến cũ nhất. Bạn cũng nên chú ý đến tính thống nhất giữa các phần. Nếu đã chọn kiểu trình bày thời gian như thế nào, thì tất cả các phần như tóm tắt quá trình học tập, quá trình làm việc đều phải trình bày như thế.
Theo Báo Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm