33 tuổi đời, 20 năm làm nghề “bảo mẫu” cho đàn rắn mòng
Gần 20 năm qua, chàng trai Phạm Quách Tĩnh (SN 1984) ở thôn Tu Lễ, xã Kim Động, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội đã làm “bảo mẫu” cho cả nghìn con rắn nước sơ sinh phát triển. Mô hình nuôi rắn nước mà anh Tĩnh đang gây dựng mang lại lợi nhuận cao, nếu nuôi rắn phát triển tốt có thể thu hàng tỷ đồng/ha.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Tĩnh nằm sâu trong thôn Tu Lễ. Tĩnh có dáng người to đậm, nước da cháy nắng. Anh ngồi bên hiên nhà mải mê lướt facebook và “chát chít” với các bạn của mình trên mọi miền quê hương. Nom Tĩnh chẳng có vẻ gì là ông chủ của mô hình nuôi rắn nước đầu tiên của đất Thủ đô. Anh nhàn nhã như ông giáo làng sau nhiều năm cống hiến và được trở về nhà, vui thú điền viên. Không giống như người chăn nuôi các con vật khác, Tĩnh bảo: “Nuôi rắn nước, nói khó không sai mà nói nó vô cùng nhàn nhã cũng rất đúng. Đã hiểu về nó rồi, cứ ngồi một chỗ mà thu tiền”-Tĩnh tự hào khoe.
Công thức: 1 sào ao = 1 tỷ đồng
Sau khi “đá” xong tuần trà, trái với cái vẻ an nhàn khi nãy, Tĩnh nhanh chóng mặc quần áo lao động, dẫn tôi ra thăm khu nuôi rắn. Ao nuôi rắn của Tĩnh nằm giữa đồng, quây kín bằng lưới chã, nom như một khu gia binh được bảo vệ nghiêm ngặt.
Ra đến khu nuôi rắn, Tĩnh như người được tiếp thêm sức lực. Anh đi ủng, lội ruộng nhanh thoăn thoắt. Dường như chàng trai có khuôn mặt hình chữ điền đầy nghị lực này sinh ra để cống hiến cho vùng đất chiêm trũng quê mình. Anh gạt bèo, đưa đôi tay lực điền tìm mấy chú rắn đang đuổi bắt mồi nơi đáy ao.
Sáng bán cà phê, chiều về nuôi rắn
Cách đây gần 20 năm, Tĩnh đã tìm cách nuôi rắn nước nhưng bất thành. Nhiều lần thất bại liên tiếp càng khiến Tĩnh thêm phần quyết tâm. Để có tiền đầu tư nuôi rắn, Tĩnh đã từng lang bạt lên Hòa Bình bưng bê cho quán cà phê.
Đến thời điểm này, sáng sớm tinh mơ Tĩnh cũng đã dậy bắt xe lên Thủ đô làm thuê cho quán cà phê nửa buổi, còn buổi chiều lại về quê nuôi rắn. Tĩnh lý giải, sau khi lấy vợ, sinh con, anh mới gom góp được số tiền nhỏ mua ngôi nhà cho riêng mình. Khoản đầu từ đó đã ngốn hết nguồn vốn để nuôi rắn của anh.
Sau một thôi, một hồi, Tĩnh mới lần được cái bẫy “mắt quái” – loại bẫy nhiều tầng được làm từ lưới chã. Phía trong có mấy chú rắn mòng ăn no căng. Bụng phưỡn ra như quả bóng được bơm căng hơi, con nào con nấy béo nung núc, da bóng mượt, dài cả mét. Tĩnh bắt chúng dễ như lấy đồ vật trong túi. Giơ đôi rắn mòng nằm ngoan ngoãn trong tay lên Tĩnh khoe: “Đây là đôi rắn giống, chúng đẻ khỏe hơn cả gà, mỗi năm 2 lứa, mối lứa ngoài 20 con. Cái giống này chỉ có công đẻ thôi, rắn con ra đời đều do bàn tay tôi chăm chúng”.
Khu ruộng trũng nuôi rắn của Tĩnh rộng vỏn vẹn 360m2 được biến thành ao nuôi rắn. Diện tích nhỏ vậy, nhưng Tĩnh nuôi được 200 con rắn sinh sản và vài trăm con rắn thương phẩm. Đưa đôi mắt tràn đầy nhựa sống, lấp lánh niềm vui nhìn quanh ao, Tĩnh như đang truyền thêm sinh khí cho vùng đất “chiêm khê mùa thối”. Khum khum 2 bàn tay vào nhau tạo thành cái gáo, anh vốc từng đám nước lên rồi lại thả ra. Sau vài lần làm đi làm lại như thế, rồi Tĩnh đưa nước lên mũi ngửi, hít mấy lần mới dừng lại. Hành động kỳ quặc này của Tĩnh khiến tôi có phần bất ngờ.
Không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi, Tĩnh lội một vòng quanh ao, đưa đôi tay lần mò dưới lớp bùn sâu kiểm tra từng cái hang, cái hốc, từng đám bèo tây xem có gì khác thường. Đến khi cả ao nuôi rắn đã được “test” cẩn thận, Tĩnh mới thở phào nhẹ nhõm.
Anh chia sẻ, kiểm tra nước trong ao rất quan trọng, bởi đây là yếu tố quyết định tới sự thành bại của người nuôi rắn. Nếu như nước thơm mùi bùn, không tanh nồng, thì mới đảm bảo là sạch. Ngược lại nước có mùi tanh nồng, lại liên tục vẩn đục, chứng tỏ nó bị bẩn và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đám rắn.
Lại nói đến môi trường sinh sống của loài rắn nước, Tĩnh thuộc nằm lòng như một nhà khoa học đam mê nghiên cứu động vật. Rắn nước chỉ sống ở ao tự nhiên - tức là đáy ao chưa bị tác động gì. Hơn nữa, loài này chỉ ăn cá nhỏ còn sống, chúng không ăn cá chết, chúng thích tự mình đi săn mồi. Ao nuôi rắn phải đóng nhiều cọc và thả bèo tây để rắn nghỉ ngơi, tắm nắng. “Nếu như không đáp ứng được các điều kiện đó “đừng hòng” nuôi được chúng. Còn cái khó nhất là kiếm thức ăn cho rắn, đặc biệt là rắn con, nhưng bù lại, nó cũng mang lại cho người nuôi lợi nhuận rất lớn”- chàng trai Tĩnh chia sẻ thêm.
Không giống như người nuôi rắn cạn đang phải vật lộn với cơn “rớt giá”, rắn nước lại tăng giá theo từng năm. Theo tính toán của Tĩnh, mỗi mét vuông có thể nuôi được 10 con rắn thương phẩm, như vậy 1 sào ao có thể nuôi được 3.600 con. Loài này rất ham ăn, chúng ăn hết 2,5kg cá con trong 1 năm và sau 2 năm, 1 con có thể đạt trọng lượng 1kg. Đấy còn chưa kể, loài này rất mắn đẻ, 1 năm chúng sinh sản 2 lần vào đầu tháng 4 và tháng 7. Khi một con rắn cái trưởng thành, mỗi lứa có thể đẻ được 20 con.
Có điều, loài này “hữu sinh nhưng vô dưỡng”, rắn mẹ đẻ con ra là bỏ luôn, anh Tĩnh trở thành “bảo mẫu” của các chú rắn con. “Rắn con sẽ ăn loại cá con, nên mình phải nắm được đặc tính sinh trưởng của chúng mà đưa lượng thức ăn xuống. Mỗi ngày cho ăn một ít, nói chung chăm sóc chúng cũng tốn nhiều công như chăm sóc trẻ em vậy”- anh Tĩnh so sánh.
Cứ theo cách tính của Tĩnh, nuôi rắn mòng – loại rắn hiền nhất trong các loài rắn này sẽ mang lại lợi nhuận kếch sù. Từ 1 sào ruộng có thể thu được cả tỷ đồng.
Thấy tôi nhẩm tính như vậy, Tĩnh lại cười giòn, dường như chàng trai nông thôn này cũng hiểu được về lý thuyết có thể đạt được mức lợi nhuận đó. Tĩnh tiếp tục phân tích về đặc tính của loài rắn nước khiến tôi có thêm kiến thức về loài rắn hiền như đất này. Trong khi sinh sản, tỷ lệ đực trong số các con rắn đẻ ra bao giờ cũng chiếm 1/3. Trái với các loài khác, giống đực của rắn nước lại rất nhỏ con, còi cọc nuôi mãi chỉ phí thức ăn, loại này nuôi mãi không chịu lớn, thường thì ngay trong năm đầu tiên, bao giờ anh Tĩnh cũng vớt hết rắn đực lên bán sớm. Nó chủ yếu có trách nhiệm truyền giống, chứ không mang lại lợi nhuận là bao.
Gần 20 năm nghiên cứu về rắn nước
Đứng giữa cánh đồng chiêm trũng, nghe chàng trai có cái tên như trong phim Anh Hùng xạ điêu Quách Tĩnh này nói chuyện càng thêm phần thi vị. “Tính nết” của loài rắn, Tĩnh thuộc nằm lòng, chúng ăn khỏe, đẻ khỏe, nhưng thay da cũng liên tục. Đặc biệt là những con rắn đang trong quá trình sinh trưởng lột da nhiều hơn. Đây là nguyên nhân gây ô nhiễm ao nuôi trầm trọng. Suốt nhiều năm trời tìm hiểu về loài rắn này, Tĩnh mới tìm ra cách dọn đám da rắn. Cá trê ta và cá chép là 2 loài không thể thiếu trong ao nuôi rắn. Loại cá này có trách nhiệm dọn sạch tầng đáy ao, chúng ăn tất cả những da rắn lột ra, mà không gây thiệt hại gì cho đám rắn.
Một khi 2 loài cá cộng sinh trên không đủ sức dọn dẹp tầng đáy là đám rắn nước này mắc bệnh ghẻ ngay. Một con bị sẽ rất dễ lây ra các con khác, nên người nuôi phải theo dõi thường xuyên, phát hiện rắn bị ghẻ để điều trị kịp thời.
Sau rất nhiều lần thất bại, Tĩnh mới nghĩ ra cách hòa nước muối loãng đổ xuống ao để chữa bệnh ghẻ cho rắn. “Trước đó, tôi đã từng dùng kháng sinh, sát trùng chữa bệnh này cho rắn nước, nhưng đều thất bại. Dường như loài này ăn thức ăn từ tự nhiên, nên khi chữa bệnh cho chúng cũng phải lấy từ thiên nhiên”, Tĩnh chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi bỗng dừng lại khi trên mặt ao liên tục xuất hiện những vệt sóng dài. Mỗi lúc chúng lại di chuyển mạnh hơn, hàng nghìn vệt sóng như vậy vẽ kín mặt nước. Mặt ao khi nãy còn yên tĩnh, nay như sóng nổi liên hồi. Dưới làn nước, rắn đang tổ chức vây công săn mồi tập thể. Đám săn sắt, đòng đong, tôm riu như rơi vào cảnh vỡ chợ vì bị đám rắn nước lùa cho tơi bời. Công cuộc “đại khai sát giới” của loài rắn đã đến giờ. Từng đám tôm, tép trong ao liên tục bị đàn rắn nuốt chửng. Cuộc tàn sát trong ao kéo dài khoảng 30 phút mới dừng lại. Đám rắn mòng đã ăn no nê, bò lên hệ thống cọc ở ao nằm dài để tiêu hóa chiến lợi phẩm vừa săn được.
Tất cả những diễn biến trong khu nuôi rắn đều không lọt qua được đôi mắt tinh tường của chàng thanh niên đã dành nửa đời người tìm hiểu về chúng. Để loài rắn đỡ mất sức trong việc săn mồi, sắp tới Tĩnh sẽ đặt một cái máy bơm trong ao, tạo dòng chảy. Theo quy luật sinh tồn, loài cá nhỏ thường ngược dòng mà bơi, đám rắn nước chỉ cần phục sẵn ở nơi nước chảy, tha hồ mà bắt mồi.
Một điều cần lưu ý khi cho rắn ăn là rắn cũng rất dễ mất mạng khi nuốt phải nguồn thức ăn chưa được lựa chọn. Trong đó cá rô là nguyên nhân hàng đầu khiến rắn mòng… tử vong. Theo anh Tĩnh, cá rô có nhiều ngạnh cứng, rắn nuốt vào bụng sẽ bị rách hệ tiêu hóa, dẫn đến viêm đường ruột. Con nào ăn phải cá rô sẽ chết trong vòng vài ngày. Do vậy, trong ao nuôi rắn muốn có “bát ăn, bát để” phải tận diệt cá rô, đặc biệt là cá rô đồng rất nguy hiểm với loài rắn nước.
Không muốn có lỗi với ruộng đồng
Với 200 con rắn sinh sản trong ao, dự kiến năm nay đám rắn này sẽ mang lại cho Tĩnh khoản lợi nhuận không nhỏ. Nuôi loài bò sát này hiệu quả kinh tế đã rõ, nhưng có một điều mà tôi thắc mắc, tại sao Tĩnh không mở rộng quy mô nuôi rắn. Theo chia sẻ của Tĩnh, ngày nào cũng có khách gọi điện đến nhà để mua rắn. Có người muốn mua cả tấn, với giá 600.000-700.000 đồng/kg, mà anh không có đủ hàng bán. “Cái khó nó còn bó cái khôn anh à”, Tĩnh ngậm ngùi chia sẻ.
Sinh ra trên vùng quê nghèo khó, nhà Tĩnh lại thuộc diện hộ khó của thôn, nên anh em Tĩnh phải tự lập lo cuộc sống của mình từ rất sớm. Tuổi thơ của Tĩnh gắn bó với ruộng đồng. Tát nước, be bờ, đánh giậm, mò cua, bắt ốc vốn là sở trường của Tĩnh. Anh không nề hà làm bất cứ việc gì để kiếm sống. Bao năm, cày sâu, cuốc bẫm, bới đất, lật cỏ, vậy mà gia đình Tĩnh chưa hết khó.
Trong số các con vật nuôi quen thuộc của nhà nông, Tĩnh lại thích nhất con rắn nước. So với đám rắn cạn, rắn nước lại vô cùng khó nuôi vì nó đòi hỏi con mồi còn sống, bởi cho rắn cạn ăn rất nhàn. Giờ Tĩnh đang ấp ủ mở rộng ao nuôi rắn. “Đầu ra của loài rắn nước này rất rộng. Các nhà hàng trong nước thu mua rất nhiều, chưa bao giờ tôi có đủ hàng để bán. Đầu ra thuận lợi là động lực thúc đẩy tôi tìm tòi về rắn nước. Giờ quy trình kỹ thuật đã nắm chắc, tôi mà không nuôi chúng là có lỗi với ruộng đồng”, anh Tĩnh mạnh dạn chia sẻ.
Theo Danviet.vn