3 cách để đi làm việc ở nước ngoài
(Dân trí) - Hiện có nhiều cách để người lao động Việt Nam muốn ra nước ngoài làm việc lựa chọn, tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cá nhân.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, hiện người lao động muốn ra nước ngoài làm việc có thể đi qua 3 con đường hợp pháp và an toàn.
Thứ nhất là thông qua các chương trình của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Đây là con đường chính thức và được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý nhà nước nên người lao động an tâm về tính pháp lý, tin cậy và an toàn.
Hiện Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức 5 chương trình lớn.
Chương trình EPS cấp phép cho lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, xây dựng.
Chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản mang đến cơ hội nâng cao tay nghề, kỹ thuật và làm việc trong các công ty hàng đầu tại Nhật.
Chương trình điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản tuyển chọn người lao động làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội học hỏi kiến thức chuyên môn.
Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng mở ra cơ hội làm việc lâu dài tại Đức cho những ai muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc y tế.
Chương trình đi làm việc tại Đài Loan với các ngành như sản xuất, dịch vụ gia đình và thuyền viên.
Người lao động có thể tra cứu thông tin chi tiết về các chương trình này tại trang web chính thức của Trung tâm Lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn).
Con đường thứ hai là thông qua các doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện trên địa bàn TPHCM có 56 doanh nghiệp và 16 chi nhánh tham gia hoạt động này.
Danh sách các đơn vị có giấy phép được cập nhật liên tục trên trang web của Sở LĐ-TB&XH TPHCM (https://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn). Người lao động có thể tra cứu, lựa chọn các doanh nghiệp được cấp phép nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình, hạn chế bị lừa đảo.
Con đường thứ ba là theo hình thức hợp đồng trực tiếp giữa người lao động và doanh nghiệp nước ngoài. Thông thường, người lao động trình độ cao hoặc những người đã có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài có thể tự ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài mà không cần qua trung gian.
Theo thống kê Sở LĐ-TB&XH TPHCM, từ năm 2013 đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn Thành phố đã đưa 81.804 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, lao động có hộ khẩu Thành phố là 13.453 người, chiếm tỷ lệ 16,45%.
Sở LĐ-TB&XH TPHCM đánh giá: "Hiệu quả kinh tế do hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã từng bước góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người lao động và cải thiện đời sống gia đình người lao động".