1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“100.000 thí sinh không vào đại học, vậy giáo dục nghề nghiệp phải làm gì?”

(Dân trí) - “Hơn 100.000 thí sinh thi đỗ đại học nhưng không vào học đại học. Năm 2017 tạm thời còn có điểm sàn đại học, nhưng tới năm 2018, không còn điểm sàn đại học thì sẽ ra sao? Đây là những câu hỏi đặt ra với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”

Công bố tên gọi, chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ Công bố tên gọi và chức năng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cơ quan này có tên cũ là Tổng cục Dạy nghề. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 21/8 tại Hà Nội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 21/8/2017.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tên gọi mới là giáo dục nghề nghiệp đã bao gồm nhiều điều mới, đòi hỏi các cán bộ, nhân viên trong ngành cần có tư duy và cách làm mới hiệu quả: “Đảng và Nhà nước mong muốn chúng ta quan tâm nhiều hơn tới vai trò của sư phạm giáo dục toàn diện và công tác hướng nghiệp cho người lao động, chứ không đơn thuần là trang bị kiến thức tay nghề”.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh điều quan trọng hơn khi nhắc tới việc thành lập Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhằm góp phần đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cao trong xã hội, qua đó giải quyết hài hoà bài toán thầy thợ đang tồn tại hiện nay.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có nhiều trọng trách và tầm vóc mới"

Bộ trưởng nhấn mạnh, tên gọi mới về Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi lãnh đạo, cán bộ của Tổng cục cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc “thay tên đổi họ” là thay đổi về chất với giáo dục nghề nghiệp.

“Tổng cục giáo dục nghề nghiệp cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để hệ thống giáo dục nghề nghiệp, quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn và chất lượng nhất. Tập trung vào 10 nhóm giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp còn tính đột phá và mở đường, là: Tự chủ, kết nối doanh nghiệp, chuẩn hoá giáo dục dạy nghề.

Đồng thời, từ cách làm mới để thay đổi nhận thức, giúp thanh niên hiểu đúng về giáo dục nghề nghiệp, người chưa có khả năng hoặc không có nhu cầu học đại học tự nguyện học nghề, khi ra trường họ có việc làm và thu nhập ổn định” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng chia sẻ thực tế về nhiều trường nghề đã và đang tự khẳng định và vươn lên trong công tác dạy nghề.

“Tôi đã chứng kiến nhiều trường nghề đã xây dựng cam kết với học sinh khi tốt nghiệp sẽ có việc làm. Thậm chí có trường đã khẳng định sẽ trả lại học phí nếu không tìm được việc làm đúng ngành”.

Bộ trưởng đơn cử, trong công tác tuyển dụng của doanh nghiệp FDI đã thay đổi nhìn nhận với ứng viên có trình độ trung cấp - cao đẳng nghề: “Tại Quảng Ngãi, một hãng điện tử của Nhật Bản mới đây đã tổ chức phỏng vấn 242 ứng viên. Trong số 50 ứng viên trúng tuyển, có 49 học sinh từ trường nghề Dung Quất và chỉ có 1 ứng viên trình độ đại học”.

“Với chức năng và nhiệm vụ mới, công tác giáo dục nghề nghiệp được ví như đang ngồi trên lưng ngựa Xích thố. Ngựa Xích thố sẽ chạy thật nhanh, không thể đi đủng đỉnh được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Điều này cho thấy, không phải vì việc hệ đại học bỏ điểm sàn hay không mà chúng ta phải lo lắng trong việc tuyển sinh của các trường nghề”.

Đặc biệt với thách thức của làn sóng công nghệ 4.0, Bộ trưởng lưu ý các cán bộ ngành giáo dục nghề nghiệp cần có cách nhìn và tư duy mới: “Công nghệ 4.0 sẽ là thách thức với việc máy móc thay thế con người. Nhưng thách thức này chắc chắn sẽ mở ra hướng mới, chúng ta không nên quá lo lắng mà co mình lại trước sức ép xã hội. Trong khó khăn sẽ tìm ra hướng mới”.

Bộ trưởng lưu ý công tác tuyên truyền và vận động của ngành giáo dục nghề nghiệp, nhằm qua đó thay đổi nhận thức của xã hội và cha mẹ học sinh hiểu đúng và đủ về con đường học nghề và lập nghiệp của thanh niên.

Hoàng Mạnh