1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Zimbabwe cùng nền kinh tế kiệt quệ chống chọi ra sao trước dịch Covid-19?

(Dân trí) - Zimbabwe đã tuyên bố lệnh phong tỏa 3 tuần trên toàn quốc để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Ngoài nguồn cung thực phẩm bị hạn chế, người dân cũng không được cấp nước hay điện.

Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng và Zimbabwe không phải là một nơi dễ dàng để kinh doanh, ông Njube Mpofu vẫn làm quản lý một quán bia ngoài trời ở Thủ đô Harare. Tại đây, nước và điện được phân phối và rất khó để có được ngoại tệ.

Zimbabwe cùng nền kinh tế kiệt quệ chống chọi ra sao trước dịch Covid-19? - 1
Cảnh sát chống bạo động ở Zimbabwe tuần tra trên đường phố gần chợ rau quả ở thủ đô Harare vào ngày 9/4 vừa qua. (Nguồn: Tsvangirayi Mukwazhi / AP)

Gần hai tuần trước, chỉ với 8 trường hợp được báo cáo dương tính Covid-19 vào thời điểm đó, Zimbabwe đã tuyên bố lệnh phong tỏa 3 tuần trên toàn quốc để cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Theo đó, ông Mpofu đã phải đóng cửa khu vườn bia của mình và ông cho rằng, tình hình trong nước đã trở nên tồi tệ hơn.

"Nói thật với bạn, tôi thực sự không hiểu chúng ta trải qua trong lệnh phong tỏa như thế nào, nhưng bằng cách nào đó chúng ta dường như đang sống sót", ông Mpofu nói.

Ở Zimbabwe, với nguồn cung cấp thực phẩm hạn chế, ông phải vượt qua biên giới tới Botswana để mua thực phẩm dự trữ.

Đáng nói, kể từ khi phong tỏa, nhà ông không được cấp nước hay điện. May mắn thay, ông có một giếng khoan và hàng xóm của ông cũng đang xếp hàng tại nhà ông để lấy nước.

“Mặc dù phải trải qua tất cả nỗi khổ ấy, nhưng phong tỏa là điều nên làm. Đối với chúng tôi, đây là một ý tưởng tuyệt vời, bởi vì vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu lan rộng, không ai có thể ngăn chặn nó", ông nói.

Cho đến nay, Zimbabwe đã báo cáo 11 trường hợp nhiễm Covid-19 và 3 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, dù ông Mpofu đã ở nhà theo lệnh cách ly, nhưng nhiều người khác vẫn đi lại kín đường phố thủ đô Harare. Ông Peter Banda, 62 tuổi, nói với tờ Guardian rằng ông phải bất chấp lệnh cách ly vì ông không còn thực phẩm trong bếp.

"Tôi phải ra đường để tìm thức ăn. Tôi không thể chỉ ngồi ở nhà và nhìn những đứa cháu của mình chết đói", ông nói.

Trong nhiều năm qua, người dân Zimbabwe đã chứng kiến ​​nền kinh tế và chính trị sụp đổ. Lạm phát đang ngày càng tăng trên ba chữ số. Người dân không có tiền để mua thực phẩm cơ bản; bệnh viện không hề có thuốc hạ sốt, giảm đau. Ngay cả thủ đô cũng chỉ còn lại một ít hóa chất để xử lý nước bẩn thành nước an toàn và có thể sử dụng được.

Các lực lượng an ninh đã sử dụng bạo lực để thực thi lệnh phong tỏa, và trong tuần này, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng hơn 4 triệu người dân Zimbabwe đã "mất an toàn thực phẩm". Trong khi con số này là hơn nửa triệu vào cuối năm ngoái.

"Tôi nghĩ rằng đây là một trong những thời điểm mà chúng ta phải khơi dậy tinh thần quyết tâm tiếp tục thực hiện lệnh cách ly dù thế nào đi chăng nữa", mục sư Evan Mawarire nói với hãng tin NPR qua điện thoại.

Theo NPR, ông Mawarire đã lãnh đạo một số cuộc biểu tình lớn nhất chống lại nhà độc tài cũ của Zimbabwe, ông Robert Mugabe. Ông Mawarire đã mất người thân trong đại dịch AIDS, ông sống sót sau dịch tả và thương hàn, ông trải qua hai lần Zimbabwe sụp đổ kinh tế và vẫn sống tốt sau thời gian phải ngồi tù.

Ông nói thông qua những sự đau khổ đó, người dân Zimbabwe đã học được những gì cần làm trong các cuộc khủng hoảng và họ có thể dạy cho thế giới một vài điều về cách sống sót.

"Tôi sẽ nói với cả thế giới rằng, có một thứ mà chúng tôi vẫn luôn giữ ngay cả khi gặp khó khăn và mọi thứ đều cạn kiệt, đó là niềm hy vọng mà chúng ta sẽ thấy vào ngày mai”, ông Mawarire chia sẻ.

Hồng Vân
Theo NPR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm