Xung đột, nợ nần khiến các bộ trưởng tài chính G20 đau đầu

Cẩm Hà

(Dân trí) - Ngày cuối của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 đã kết thúc mà không có bất kỳ tuyên bố đồng thuận được đưa ra do bất đồng quan điểm về xung đột Nga - Ukraine và các đề xuất tái cơ cấu nợ.

"Chúng ta sẽ chờ xem ngày hôm nay sẽ diễn ra như thế nào" vì vẫn còn phải xem xét liệu những người tham gia có thể đạt được một thông cáo chung vào cuối cuộc họp của hội nghị G20 ở Bengaluru hay không, Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers cho biết bên lề cuộc hội nghị.

Ông nói các nhà đàm phán đã làm việc đến 2h sáng thứ bảy, với 2 điểm bế tắc là xung đột và nợ nần.

Xung đột, nợ nần khiến các bộ trưởng tài chính G20 đau đầu - 1

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 diễn ra trong 2 ngày, 24 và 25/2 tại thành phố Bengaluru, Ấn Độ (Ảnh: Bloomberg).

Đến giữa chiều, có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo tài chính có thể phá vỡ sự bế tắc này. Bản thảo thứ 8 của thông cáo chung mà Bloomberg News thu thập được cho thấy những bất đồng quan điểm liên quan đến xung đột tại Ukraine và việc tái cấu trúc nợ.

"Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi trật tự thế giới đã tồn tại từ cuối Thế chiến II", Phó thủ tướng Tây Ban Nha Nadia Calvino nói với các phóng viên.

Những cuộc thảo luận để tìm tiếng nói chung mô tả các thách thức của thế giới "trở nên khó khăn hơn khi xung đột vẫn đang diễn ra", Calvino nói. Tuy nhiên, các quốc gia G20 "đang đạt được tiến bộ trong các vấn đề khác", bà bày tỏ.

Căng thẳng địa chính trị khiến cho không khí của các cuộc thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 trở nên căng thẳng. Một liên minh do Mỹ dẫn đầu đã kêu gọi tăng áp lực lên chính quyền Nga khi xung đột đã kéo dài 1 năm và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc Điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cố gắng tìm kiếm những mặt tích cực từ hội nghị bàn tròn về nợ chính phủ toàn cầu với sự tham gia của các chủ nợ công và tư nhân lại, với cam kết cơ bản là tìm ra điểm chung.

Giám đốc điều hành IMF cũng kêu gọi một biên bản ghi nhớ sớm nhất có thể về Zambia, quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ. Bà cho biết nước này đã thực hiện "một việc đáng kinh ngạc" là cải cách nền kinh tế và do đó xứng đáng đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với các chủ nợ.

Tuy vậy, có rất ít dấu hiệu cho thấy bất kỳ tiến triển cụ thể nào trong các cuộc đàm phán về tái cơ cấu nợ quan trọng. Việc không đạt được thỏa thuận giữa các chủ nợ lớn có nguy cơ làm kéo dài tình trạng bế tắc vốn đã làm đình trệ các chương trình tái cơ cấu ở các quốc gia như Zambia và Sri Lanka.

Vẫn chưa có thông cáo chung kết thúc cuộc họp giống thông cáo đã đạt được ở Bali vào tháng 11/2022 giữa các nhà lãnh đạo G20. Trong khi đó, nước chủ nhà Ấn Độ có khả năng sẽ đưa ra một "bản kết luận của chủ tọa" nêu rõ các quan điểm khác nhau về các vấn đề trong tuần này.

"Chúng ta không thể tự mãn khi đối mặt với cuộc chiến đó", Georgieva nói và lưu ý rằng chính "sự tự mãn" đã dẫn đến sự lan rộng của Chiến tranh thế giới I và II.

Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là chống lạm phát. "Lạm phát là một vấn đề. Những dữ liệu chúng tôi thấy cho biết nó vẫn chưa được kiểm soát, nhưng đã giảm xuống", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Bloomberg News.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành IMF kêu gọi các ngân hàng trung ương "kiên trì đi đến cùng" để khôi phục lại sự ổn định giá cả, điều rất quan trọng đối với các nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng.

Theo Bloomberg