1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Gạo Việt: Tự phát, mạnh ai người nấy lo, mù tịt về thị trường!

(Dân trí) - “Sản xuất tự phát, mạnh ai người nấy lo, mù tịt về thị trường, đã đẩy đưa nông dân nuôi trồng theo phong trào nên bị thương lái ép giá, doanh nghiệp thì nhập nguyên liệu qua thương lái không truy nguyên được xuất xứ còn Nhà nước thì hô hào nhưng chẳng tổ chức trọn chuỗi giá trị”.

Đó là nhận xét của GS Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ, khi bàn về hướng đi cho gạo Việt tại hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt sạch và nông sản an toàn hữu cơ” diễn ra sáng nay (7/10).

Theo ông Võ Tòng Xuân, gạo Việt Nam cần được Nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới đảm bảo lương thực lành mạnh cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng.

Gạo Việt: Tự phát, mạnh ai người nấy lo, mù tịt về thị trường! - 1

Nhìn nhận về thị trường gạo Việt, GS Xuân cho rằng, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được các nhu cầu thị trường ngày nay như: hàng hoá chất lượng cao và đồng nhất, khối lượng lớn, giao hàng đúng thời điểm và giá cạnh tranh nhất.

Không chỉ vậy, nhược điểm của ngành nông nghiệp còn ở chỗ nông dân tự hào với kinh nghiệm cổ truyền nên nhiều khi đã lạc hậu, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bừa bãi. Còn các doanh nghiệp thì không rõ nguồn gốc nguyên liệu, không thương hiệu, công nghệ lạc hậu và sự cạnh tranh lẫn nhau, không chịu liên kết để tạo thị trường.

Tại một diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp diễn ra mới đây, bà Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP cũng cho rằng, là một nước nông nghiệp và cũng là nước nằm trong top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chất lượng gạo Việt Nam kém, cộng thêm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá mức cho phép làm cho gạo thơm Việt Nam xuất khẩu với giá thấp và chỉ xuất được nhiều qua các thị trường dễ tính như Trung Quốc, Hồng Kông…

Một thực tế đáng buồn nữa là mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam có rất nhiều nhãn hiệu không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm gạo phổ biến trên thị trường hiện nay lại là các thương hiệu gạo của Thái Lan, Campuchia và Nhật Bản.

Tuy nhiên, Việt Nam chúng ta cũng có nhiều lợi thế để đưa hạt gạo Việt đi xa hơn nữa. Đó là vị trí nằm ở trung tâm vùng Đông Nam Á, thuận lợi cho phân phối hàng hoá, hệ thống tưới tiêu thích hợp cho sản xuất theo kĩ thuật bền vững, 75% dân số sống bằng nghề nông và có thể hợp đồng sản xuất nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, năng suất lúa của Việt Nam cao nhất so với 10 nước Đông Nam Á. Giống lúa cao sản của ta đã xếp thứ 3 thế giới, sau giống lúa mùa của Campuchia.

Tuy có nhiều lợi thế nhưng việc đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới là vô cùng khó khăn. Như thị trường Singapore luật lệ, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và gu tiêu dùng rất khác Việt Nam. Tiêu chí chọn gạo của họ cũng khác, người dân Singapore ưa dùng loại gạo dẻo, hạt tròn, chỉ cần dễ nấu, không dính cơm.

Để tháo gỡ khó khăn cho gạo và nông sản Việt, GS Võ Tòng Xuân cho rằng: “Giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức gắn “Nhà nông với nhà nông trong HTX nông nghiệp kiểu mới hoặc Cụm liên kết nông nghiệp kỹ thuật cao” và gắn hợp tác xã nông nghiệp với “Nhà doanh nghiệp” trong một cơ chế theo chuỗi giá trị đến thành phẩm gạo ngon và sạch”.

Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2016 còn gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa chậm và giá lúa gạo có xu hướng giảm.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 9 năm 2016, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD. Như vậy, với khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Vì vậy, nếu không có đột phá về thị trường, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2016 từ kế hoạch 6,5 triệu tấn sẽ giảm mạnh còn khoảng 5,7 triệu tấn theo đường chính ngạch.

Thế Hưng