1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xuất khẩu dầu Nga đã giảm mạnh sau vòng trừng phạt mới

Nhật Linh

(Dân trí) - Xuất khẩu dầu của Nga đã giảm trong bối cảnh Liên minh châu Âu áp giá trần đối với dầu Nga và vòng trừng phạt mới nhất nhằm thu hẹp nguồn thu của Nga.

Business Insider dẫn dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho biết, các chuyến hàng dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển đã giảm 16%, tương đương giảm khoảng nửa triệu thùng mỗi ngày, trong ngày 6/12.

Trang TankerTrackers.com thậm chí còn ghi nhận mức giảm mạnh hơn khi giảm 50% số thùng hàng ngày. Phần lớn sự sụt giảm này đến từ các cảng ở Biển Đen và Baltic của Nga, nơi dầu Nga được vận chuyển sang châu Âu bằng đường biển, theo Wall Street Journal.

Xuất khẩu dầu Nga đã giảm mạnh sau vòng trừng phạt mới - 1

Các chuyến hàng dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển đã giảm ngay sau khi lệnh cấm của EU có hiệu lực và giá trần được áp dụng (Ảnh: Reuters).

Sự sụt giảm này diễn ra ngay sau khi lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU có hiệu lực và mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga được áp dụng.

Business Insider cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy vòng trừng phạt mới nhất trên đang gây thiệt hại cho nguồn thu của Moscow, bất chấp những lo ngại cho rằng các nước phương Tây không có cách nào thực thi đầy đủ cơ chế giá trần và biện pháp này không có ý nghĩa gì với giá năng lượng.

Nga đã từ chối tuân thủ giá trần và đe dọa trả đũa bất kỳ quốc gia nào thực thi cơ chế này. Theo đó, quốc gia này có thể thực hiện 3 cách: áp giá sàn, đặt mức chiết khấu tối đa hoặc cắt giảm nguồn cung cho phương Tây, điều hướng dòng dầu thô của họ sang châu Á.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cơ chế giá trần của G7 và EU đang mang lại nhiều quyền thương lượng hơn cho các đồng minh châu Á của Nga, cho phép họ giảm giá sâu hơn khi mua dầu của Nga.

Nói với Reuters, các thương nhân cho biết, một lô hàng dầu ESPO từ vùng Viễn Đông Nga đã được bán cho Trung Quốc vào tuần trước với mức chiết khấu 6 USD so với dầu Brent, tương đương khoảng 68 USD/thùng.

Nguồn tin của Reuters cho biết, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc không quan tâm nhiều đến mức giá trần. "Họ không thực sự quan tâm đến giá trần. Tất cả những gì họ làm là tính toán xem mức giá được giao có mang lại lợi nhuận tốt hay không", giám đốc điều hành tại một nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc nói với Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia tại Ngân hàng Trung ương Nga lại cảnh báo, cơ chế giá trần và lệnh cấm dầu của EU sẽ là "cú sốc kinh tế mới" đối với Nga, có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của nước này trong những tháng tới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin đã bác bỏ điều này. Nói với hãng tin TASS, ông cho rằng việc các nước phương Tây áp giá trần đối với dầu Nga sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này.

Theo ông, phần lớn thị trường vẫn sẵn sàng mua dầu của Nga theo điều kiện thị trường thông thường. Trong khi đó, các biến động về sản lượng dầu có thể xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng.

Theo BI, OilPrice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm