1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nga xem xét áp giá sàn đối với dầu thô, chống lại giá trần của G7

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Bloomberg, Nga đang xem xét áp giá sàn đối với dầu thô xuất khẩu của họ nhằm đáp trả việc áp giá trần của G7 và EU đối với dầu thô của Nga.

Bloomberg dẫn nguồn tin từ hai quan chức giấu tên cho biết, Moscow đang xem xét áp đặt một mức giá cố định cho các thùng dầu hoặc quy định mức chiết khấu tối đa so với giá tiêu chuẩn quốc tế.

Nga xem xét áp giá sàn đối với dầu thô, chống lại giá trần của G7 - 1

Nga đang xem xét áp đặt một mức giá cố định cho các thùng dầu hoặc quy định mức chiết khấu tối đa so với giá tiêu chuẩn quốc tế (Ảnh: FILE).

Hiện chưa rõ mức giá sàn mà Nga đưa ra là bao nhiêu, song nếu kế hoạch này được áp dụng, điều mà các nhà giao dịch quan tâm là liệu mức giá sàn do Nga đưa ra cao hơn hay thấp hơn mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 vừa áp đặt.

Mức giá này rất quan trọng bởi các doanh nghiệp chỉ có thể trả giá bằng hoặc thấp hơn 60 USD/thùng mới có thể tiếp cận được với bảo hiểm và các dịch vụ của phương Tây.

Một quan chức cho biết Nga đang dự định cung cấp một cơ chế giá minh bạch, cho người mua dầu thô của họ, tuân thủ các nguyên tắc thị trường nhằm chống lại cơ chế giá trần của G7.

Nguồn tin này cũng cho rằng, Điện Kremlin không muốn làm phật lòng các quốc gia trung lập đang mua dầu thô của mình bằng cách tạo ra các áp lực thông qua những biện pháp phi thị trường.

Theo nguồn tin của Bloomberg, một cách để đưa ra mức giá sàn là Nga sẽ đặt ra mức chiết khấu tối đa cho giá dầu của Nga so với giá dầu tiêu chuẩn quốc tế là dầu Brent. Theo đó, các nhà sản xuất dầu của Nga sẽ không được phép thực hiện mức chiết khấu cao hơn cho khách hàng. Mức chiết khẩu này sẽ được thay đổi thường xuyên dựa vào tình hình thị trường năng lượng toàn cầu.

Một lựa chọn khác là Nga sẽ lập mức giá cố định, cũng được điều chỉnh thường xuyên. Tuy nhiên, với phương án này, Moscow vẫn đang đánh giá tình hình thị trường.

Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ không bán dầu thô cho bất kỳ nước nào mua thực hiện cơ chế giá trần của G7. Thậm chí Nga còn có thể đáp trả bằng cách cắt giảm sản lượng thay vì phải bán dầu ở mức giá thấp hơn nhiều do quy định giá trần.

Các nước G7 và châu Âu đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng, một mức mà các nhà phân tích phương Tây cho rằng vẫn cao hơn mức giá đã chiết khấu mà Nga đang bán cho một số nước hiện nay.

Cơ chế giá trần của G7 được tạo ra nhằm hạn chế nguồn thu từ việc bán dầu thô của Nga. Tuy nhiên, với mức 60 USD/thùng, một số chuyên gia cho rằng, có thể cơ chế này sẽ không thực hiện được sứ mệnh đó. Và nếu Nga cắt giảm sản lượng để đáp trả giá trần thì giá dầu có thể tăng cao hơn, thậm chí còn dập tắt mọi nỗ lực nhằm hạn chế nguồn thu của Nga.

Nga đã tuyên bố không chấp nhận bán dầu thô dưới mức giá thị trường. Hơn nữa, họ còn nói sẽ giữ lời hứa đó ngay cả khi điều đó có nghĩa họ sẽ phải cắt giảm sản lượng.

EU và G7 cho biết họ sẽ xem xét lại mức giá trần 2 tháng một lần và lần xem xét đầu tiên là vào giữa tháng 1.

Theo Bloomberg, OilPrice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm