1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nga vẫn bán dầu ở mức 79 USD/thùng, cao hơn giá trần của G7

Nhật Linh

(Dân trí) - Reuters dẫn dữ liệu từ Refinitiv cho biết, dầu ESPO của Nga từ cảng Kozmini ở Viễn Đông vẫn đang được bán với giá khoảng 79 USD/thùng, cao hơn so với mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 và EU vừa áp đặt.

Mỗi năm, Nga xuất khẩu đến 65 triệu tấn dầu ESPO thông qua đường ống Đông Siberia- Thái Bình Dương, trong đó có 35 triệu tấn được xuất khẩu qua cảng Kozmino.

Nga vẫn bán dầu ở mức 79 USD/thùng, cao hơn giá trần của G7 - 1

Theo Refinitiv, dầu ESPO của Nga từ cảng Kozmini ở Viễn Đông vẫn đang được bán với giá khoảng 79 USD/thùng (Ảnh: Reuters).

Hôm qua (5/12), lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của EU bắt đầu có hiệu lực. Lệnh cấm này cũng đi kèm với mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 và EU vừa áp đặt. Những động thái đó nhằm thu hẹp nguồn thu của điện Kremlin trong khi vẫn cho phép các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu Nga, miễn là không cao hơn mức giá trần đặt ra.

Phản ứng với quyết định trên, Nga tuyên bố cứng rắn không bán dầu ở mức giá trần. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh, Nga sẽ bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho các quốc gia mua dầu Nga theo giá thị trường.

Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định, việc áp giá trần đối với dầu Nga chắc chắn sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, sau đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng, khiến giá cả tăng lên, ảnh hưởng lớn đến những quốc gia nghèo nhất.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng cảnh báo, nếu Nga cắt giảm sản lượng để đáp trả việc này, thị trường sẽ bị sốc cung.

Trong cuộc họp hôm qua, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên mức sản lượng đã thống nhất trong cuộc họp trước đó để có thời gian xem xét những tác động đối với thị trường sau loạt động thái mới này.

Giá dầu thế giới phiên hôm qua đã tăng gần 2% sau quyết định này của OPEC+ và các thông tin liên quan đến lệnh cấm dầu Nga. Ngoài ra, thị trường dầu cũng bị tác động bởi thông tin nới lỏng các hạn chế chống Covid-19 ở Trung Quốc. Đây là một thông tin tích cực đối với nhu cầu nhiên liệu.

Trong diễn biến liên quan, bất chấp lệnh cấm vận dầu Nga của EU có hiệu lực, Ấn Độ cuối tuần trước vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục mua dầu Nga. Theo AP, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã khẳng định Ấn Độ sẽ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình và sẽ tiếp tục mua dầu của Nga.

Cho tới nay, Ấn Độ vẫn chưa cam kết thực hiện mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 và EU vừa áp đặt. Ông Jaishankar cũng không đưa ra bình luận trực tiếp nào về mức giá trần nhưng cho rằng châu Âu đang nhập khẩu nhiều nhiên liệu từ Nga hơn Ấn Độ.  

Trong khi đó, OilPrice dẫn lời một quan chức của Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, cụ thể là các dịch vụ bảo hiểm và vận chuyển, sẽ không áp dụng với Ấn Độ. Bởi nước này sẽ không có ý định sử dụng các dịch vụ của phương Tây để vận chuyển dầu Nga vào nước này.

Theo Reuters, AP, OilPrice

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm