Nga: Cơ chế giá trần của G7 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng

Nhật Linh

(Dân trí) - Nói với hãng tin TASS, Thứ trưởng thứ nhất của Bộ năng lượng Nga Pavel Sorokin cho rằng việc các nước phương Tây áp giá trần đối với dầu Nga không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nước này.

Ông Sorokin cũng bác bỏ ý kiến cho rằng có khả năng xảy ra cú sốc với nền kinh tế Nga do việc áp giá trần. Theo ông, phần lớn thị trường vẫn sẵn sàng mua dầu của Nga theo điều kiện thị trường thông thường. Trong khi đó, các biến động về sản lượng dầu có thể xảy ra nhưng không quá nghiêm trọng.

Nga: Cơ chế giá trần của G7 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng - 1

Nga khẳng định việc áp giá trần có thể khiến sản lượng khai thác dầu của Nga giảm xuống, nhưng không đáng kể (Ảnh: Bloomberg).

Sản lượng dầu Nga đã giảm xuống sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nhưng sau đó đã ổn định vào tháng 6. Tuy nhiên, kể từ đó, Nga được cho là đã khai thác dưới mức hạn ngạch của OPEC+ khoảng 1 triệu thùng/ngày.

Các nhà phân tích nhận định, sản lượng của Nga sẽ tiếp tục giảm thêm do hoạt động xuất khẩu đối mặt với nhiều rào cản khi mức giá trần 60 USD/thùng được áp dụng.

Tuy nhiên, ông Sorokin lưu ý rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện đang bị thiếu cung, đặc biệt là dầu diesel, do đó giá đang được hỗ trợ.

Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Năng lượng Nga cũng nhấn mạnh đến sự linh hoạt của tỷ giá đồng rúp trong trường hợp giá dầu biến động.

Đầu tuần này, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, người phụ trách về chính sách dầu mỏ của Nga và đại diện cho Nga tham dự các cuộc họp của OPEC+, cũng cho biết Nga có thể phải giảm sản lượng dầu do sự không chắc chắn, nhưng mức giảm sẽ không đáng kể.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tính đến tháng 10, Nga vẫn chưa tìm được thị trường cho 1,1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và 1 triệu thùng/ngày dầu diesel và dầu nhiên liệu sắp sửa bị châu Âu cấm nhập vào đầu tháng 2.

"Đối với dầu thô, không có lượng mua đáng kể nào, ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ dù giá đã giảm mạnh. Việc định tuyến lại thương mại sẽ giúp Nga giảm áp lực nhưng việc thiếu hụt tàu chở dầu lại là mối lo lớn, đặc biệt đối với những con tàu phá băng để vận chuyển hàng từ các cảng ở biển Baltic trong mùa đông", cơ quan này cho biết.

Ngày 5/12, lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của châu Âu đã có hiệu lực. Cùng lúc, các quốc gia EU và G7 cũng nhất trí giới hạn trần giá đối với dầu Nga ở mức 60 USD/thùng. Cơ chế giá trần này đã cấm các công ty phương Tây cung cấp dịch vụ vận chuyển, tài chính và bảo hiểm cho các tàu chở dầu từ Nga nếu dầu được mua với mức giá cao hơn giá trần.

Theo TASS, OilPrice