Xuất hiện những phiên tỷ USD, chứng khoán đã hấp dẫn trở lại?
(Dân trí) - Mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trở lại trong những tháng gần đây, cùng với đà tăng của thị trường chung.
Những phiên giao dịch tỷ USD trở lại
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi qua hơn nửa chặng đường năm 2023 với sự phục hồi của VN-Index.
Đầu năm ngoái, giới phân tích đa phần cho rằng thị trường sẽ nối dài sắc xanh, vươn tới ngưỡng 1.600-1.700 điểm.
Đến giữa năm, dự báo được điều chỉnh khi thị trường lao dốc, nhưng vẫn nghiêng về hướng tích cực với khả năng đạt 1.300-1.350 điểm. Tuy vậy, VN-Index chốt năm ngoái giảm tới gần 33%, xuống sát ngưỡng 1.000 điểm. Con số này, thậm chí thấp hơn cả những kịch bản xấu nhất.
Từ tháng 7 năm ngoái, khi VN-Index giảm sâu từ vùng đỉnh 1.500 điểm xuống dưới 1.000 điểm, tốc độ mở mới tài khoản cũng chậm lại.
Lượng mở mới trong 3 tháng đầu năm nay ở mức thấp trong vòng 2 năm qua và đều ở mức dưới 100.000 tài khoản mới. Trong khi đó, ở những giai đoạn bùng nổ về điểm số và thanh khoản, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục ra chính sách hút nhà đầu tư, lượng đăng ký mỗi tháng thường dao động 200.00-450.000 tài khoản, với nhiều tháng tạo kỷ lục cho thị trường.
Tuy nhiên, mức độ quan tâm của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán bắt đầu tăng trở lại trong 2 tháng gần đây, cùng với đà tăng của thị trường chung.
Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 6 vừa rồi, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký gần 146.000 tài khoản chứng khoán mới, tăng 40% so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. 2 tháng gần nhất, quy mô tài khoản chứng khoán chứng khoán mở mới duy trì trên ngưỡng 100.000 tài khoản.
Đến hiện tại, VN-Index đã tăng hơn 18%. Giới đầu tư đang chờ chỉ số chứng khoán chinh phục lại mốc 1.200 điểm - tức bằng giai đoạn tháng 9/2022. Thực tế, 10 năm trở lại đây, chỉ có năm 2022 và năm 2018 thị trường chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, còn lại chỉ số này vẫn luôn tăng trưởng dương.
Quy mô giao dịch những tháng gần đây cũng tăng liên tục.
Tháng 3, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chỉ đạt hơn 9.200 tỷ đồng. Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư tham gia thị trường giai đoạn trước thận trọng hơn khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Tuy nhiên, con số này tăng hơn 20% lên hơn 11.100 tỷ đồng trong tháng 4, tăng tiếp lên hơn 12.200 tỷ đồng trong tháng 5.
Tháng 6, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên của sàn HoSE lên tới gần 17.000 tỷ đồng và bắt đầu ghi nhận những phiên giao dịch hơn 1 tỷ USD.
Trước đó, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố các vụ án thao túng thị trường chứng khoán với Chủ tịch FLC và Chủ tịch Louis Holdings, đã gây ra đà giảm của thị trường.
Vì sao chứng khoán tăng trở lại?
Lý giải về đà tăng của thị trường chứng khoán 2 tháng trở lại đây, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích của FIDT - đơn vị chuyên về tư vấn đầu tư và quản lý gia sản, chỉ ra nguyên nhân lãi suất tiết kiệm trên thị trường đã giảm mạnh.
Lãi suất vốn ngược chiều với thị trường chứng khoán. Khi lãi suất rẻ thì giá cổ phiếu tăng và ngược lại, khi lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm. Nguyên nhân là lãi suất cao khiến hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì chịu chi phí cao hơn, tác động đến kỳ vọng của nhà đầu tư. Ngoài ra, lãi suất cao kích thích nhà đầu tư rút tiền từ chứng khoán để gửi vào ngân hàng.
Ông Phương cho biết, 4 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp chỉ trong hơn 3 tháng của Ngân hàng Nhà nước đã tác động đến thị trường.
Cùng với đó, lãi suất huy động các kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại cũng đã giảm mạnh từ đầu năm. Theo thống kê của FIDT, lãi suất huy động toàn thị trường kỳ hạn 12 tháng đã giảm 2,23 điểm % từ đỉnh cuối tháng 11/2022 và giảm khoảng 2,1 điểm % so với đầu năm 2023.
"Một phần dòng tiền sẽ có xu hướng tìm kiếm các cơ hội sinh lãi tốt hơn và thông thường chứng khoán sẽ là kênh đầu tiên hút tiền do lợi thế của thị trường về tính thanh khoản và khả năng hấp thụ dòng vốn nhanh, lớn", ông Phương nói.
"Đây chính là nguyên nhân chính cho sự đi lên mạnh mẽ của VN-Index thời gian vừa qua với dòng vốn mạnh mẽ từ nhà đầu tư cá nhân", ông Phương nhận định.
Trong tháng 5 và tháng 6, nhà đầu tư cá nhân là nhóm chi phối khi mua ròng mạnh mẽ. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trên sàn HoSE trong 2 tháng gần nhất đều đạt trên 80%.
Ngoài yếu tố liên quan đến lãi suất, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam - tổ chức chuyên về tài chính còn chỉ ra nguyên nhân do yếu tố chính sách kinh tế vĩ mô đảo chiều, dẫn đến kỳ vọng kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ cuối năm 2023, đầu năm 2024, dẫn đến dòng tiền đổ vào chứng khoán nhiều hơn.
"Chưa kể, định giá các cổ phiếu ở vùng hấp dẫn, khi VN-Index đang có P/B thị trường là 1,7 lần, thấp hơn mức trung bình toàn khu vực 20%", ông Phục nói.
P/B là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Tỷ lệ này được tính toán bằng cách lấy giá đóng cửa hiện tại chia cho giá trị ghi sổ tại quý gần nhất của cổ phiếu. Khi P/B thấp, đồng nghĩa nhà đầu tư đang bỏ số tiền thấp hơn giá trị thực của cổ phiếu.
Chứng khoán liệu có thăng hoa?
Kênh tiền gửi ngân hàng đã giảm sức hút đáng kể, nhưng đã đủ giúp chứng khoán thăng hoa? Nhất là trong bối cảnh bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp kém sáng, dù được hỗ trợ tích cực từ chính sách.
Các số liệu thống kê cho thấy sức khỏe nền kinh tế còn yếu. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay GDP quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ khá hơn quý II/2020 - đáy của giai đoạn dịch Covid-19 mới bùng phát.
Kết quả kinh doanh quý II vừa rồi của các doanh nghiệp cũng thể hiện phần nào mảng tối. Các nhóm ngành thủy sản, dệt may, bất động sản, ngân hàng… đều có nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh lợi nhuận.
Dù vậy, theo ông Đặng Trần Phục, cuối năm nay, thị trường chứng khoán xác suất cao sẽ diễn biến tích cực và tăng điểm tốt. "Các chính sách tiền tệ từ đầu năm sẽ có độ trễ để phát huy tác dụng", ông Phục nói.
Ông cho rằng, thời điểm cuối quý III đầu quý IV, các chính sách hỗ trợ sẽ phát huy tác dụng tác động đến các doanh nghiệp nói chung. "Dự báo các doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh, từ 30-40% trong quý cuối năm", chuyên gia nhận định.
Ông Huỳnh Hoàng Phương cũng đồng tình việc lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết chưa phản ánh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư cổ phiếu là vì kỳ vọng tương lai, còn kết quả kinh doanh quý II là phản ánh bức tranh màu xám từ cuối năm 2022. Hiện tại, nhà đầu tư nên đặt kỳ vọng tăng trưởng vào cuối năm 2023 và nửa đầu 2024.
Đặc biệt, trong môi trường lãi suất "dễ thở", có thể kỳ vọng vào việc cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp và thúc đẩy việc mở rộng kinh doanh nhờ tăng cường vay vốn. Những yếu tố này giúp cổ phiếu nhiều doanh nghiệp được chú ý với triển vọng tích cực trong ngắn hạn.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân còn "đau"
Dự báo thị trường chứng khoán khởi sắc, nhưng các chuyên gia cũng lưu ý không thể mạnh như giai đoạn dịch bệnh 2 năm trước.
Ông Huỳnh Hoàng Phương chỉ ra sau giai đoạn downtrend, nhiều nhà đầu tư cá nhân còn "đau" và sợ thị trường.
Ngoài ra, trước khi, dịch bệnh diễn ra, người dân hay thậm chí chủ doanh nghiệp phải làm việc tại nhà, có nhiều thời gian quan tâm thị trường hơn.
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý việc cần theo dõi một số yếu tố khác có thể khiến thị trường thu hút được nhiều nhà đầu tư trở lại và không loại trừ sẽ có cơn sóng lớn nhà đầu tư cá nhân.
Đơn cử, nhiều công ty chứng khoán đang hoặc có dự định triển khai zero-fee giúp cho chi phí giao dịch chứng khoán giảm và thu hút nhà đầu tư. Ông lấy ví dụ, tại Mỹ, kể từ cuộc chiến zero-fee khởi xướng quý IV/2019, đã giúp thị trường chứng kiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân mạnh mẽ chưa từng có.
Chưa kể, hệ thống giao dịch mới KRX nếu được đưa vào vận hành sẽ giúp phát triển thị trường với nhiều sản phẩm mới cũng như việc rút ngắn thời gian giao dịch về T+0 có thể giúp thu hút nhiều nhà đầu tư.
Vậy đây đã là giai đoạn để cân nhắc khi chuyển tiền từ một kênh an toàn như tiết kiệm sang kênh rủi ro như chứng khoán để đầu tư?
Theo ông Phương, bỏ tiền vào giai đoạn này đã là "hơi muộn", tuy nhiên vẫn nên làm và cần lưu ý không nên FOMO mà cần tham gia ở các nhịp thị trường điều chỉnh.
"Ngoài ra, nhà đầu tư nên phân bổ tiền vào chứng khoán theo một kế hoạch tài chính cá nhân cụ thể để đạt được các mục tiêu tài chính đã đặt ra. Hay nói cách khác là cần có chiến lược đầu tư để kiểm soát được cảm xúc khi đầu tư", ông Phương nhấn mạnh.
VN-Index sẽ đạt 1.300 điểm?
Dự báo cuối năm, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ có sự bứt phá mạnh từ quý III. Ông Đặng Trần Phục đưa ra dự báo VN-Index năm nay ở vùng giá 1.200-1.300 điểm.
Còn ông Huỳnh Hoàng Phương cho rằng thị trường sắp tới vẫn sẽ tăng nhưng dễ có các đợt điều chỉnh. Nhóm chuyên gia FIDT đang dự báo VN-Index có thể đạt ngưỡng 1250-1300 điểm vào cuối năm nay.
Ông Phương lưu ý một số nhóm ngành để nhà đầu tư cân nhắc. Đơn cử như đầu tư công với việc nhiều dự án lớn trong giai đoạn đầu triển khai và đầu tư công đang được kỳ vọng là động lực kích thích phục hồi nền kinh tế.
Hay như nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán) vẫn sẽ có kỳ vọng khi thị trường được dự báo còn đi lên.
Ngoài ra, nhóm bất động sản (nhóm nhạy cảm lãi suất) được kỳ vọng tiếp tục phục hồi sau khi lãi suất cho vay sẽ giảm dần và các chính sách hỗ trợ ngành tiếp tục được Chính phủ quan tâm.
Ông Phục lưu ý thêm đến nhóm bất động sản khu công nghiệp khi gần đây Việt Nam thu hút FDI mạnh. Ngoài ra, giá thuê bất động sản khu công nghiệp đã tăng 5-20%, trong bối cảnh người thuê cũng tăng sẽ khiến lợi nhuận nhóm này tăng trưởng tốt.
Chuyên gia AzFin cũng đánh giá cao ngành dược nhờ vào việc mở rộng mạnh từ những năm trước. "Thuốc ngoại những năm gần đây giảm dần tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội tăng sản lượng cũng như doanh thu và lợi nhuận", ông Phục cho hay.