Thủ tướng: Việt Nam tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại trong hội nhập

Thanh Thương

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng và không làm tổn thương ai, tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại...

Tại lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương - FTA Index năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 8/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết trong gần 40 năm qua, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa.

Đồng thời, Việt Nam là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác

Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; vươn lên mạnh mẽ với tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin, tự hào dân tộc; đi lên từ bàn tay khối óc, từ khung trời, cửa biển và mảnh đất của mình...

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không chủ quan, lơ là và cũng không bi quan, lo sợ trong bất cứ hoàn cảnh nào, bởi ông cho rằng những khó khăn hiện nay vẫn chưa bằng những khó khăn mà Việt Nam từng đối mặt trước đây. Càng khó khăn, thách thức, áp lực càng phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên.

Thủ tướng: Việt Nam tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại trong hội nhập - 1

Thủ tướng cho rằng hội nhập không phải chỉ có "thảm đỏ, hoa hồng" mà còn có nhiều chông gai, khó khăn (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng khẳng định trong hội nhập phải vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, thích ứng linh hoạt, phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tình hình, với những mặt trái của hội nhập.

Người đứng đầu Chính phủ nêu, hội nhập không chỉ có thảm đỏ và hoa hồng mà có rất nhiều khó khăn, chông gai, phải nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vượt lên thì mới có thể hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời giữ vững độc lập, tự chủ.

"Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đề cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Chúng ta không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ nào, cũng không lợi dụng và không làm tổn thương ai; tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ nói, trong bối cảnh hiện nay, để vượt qua và biến khó khăn, thách thức thành cơ hội và thuận lợi, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều phải cùng góp sức để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Thủ tướng khẳng định khó khăn chỗ này thì phải tìm chỗ khác, mở rộng sang thị trường khác, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh, sạch, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với các đối tác để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển với tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại hiệu quả cân đong đo đếm được, mang lại lợi ích cho các bên có liên quan.

Cà Mau dẫn đầu thực hiện hiệu quả các FTA

Chỉ số tổng hợp FTA Index của các tỉnh gồm 4 chỉ số thành phần cho thấy, Cà Mau có mức cao nhất với 34,9 điểm. 

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bộ chỉ số FTA Index sẽ là công cụ đánh giá định lượng, khách quan, toàn diện về tình hình, mức độ thực thi các FTA tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định áp thuế đối ứng 10-49% đối với hàng hóa của các nước khi nhập khẩu vào Mỹ, tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại quốc tế... thì các FTA đã trở thành xu hướng chủ đạo, được xem như là các "xa lộ lớn" thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, việc thực thi các FTA thời gian qua cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Thủ tướng: Việt Nam tránh đối đầu, đẩy mạnh đối thoại trong hội nhập - 2

Bộ trưởng Công Thương đánh giá FTA Index sẽ là căn cứ quan trọng để các cơ quan liên quan hoạch định cơ chế, chính sách điều hành xuất, nhập khẩu bảo đảm sát thực, hiệu quả (Ảnh: Moit).

Đó là việc tận dụng cơ hội từ các FTA giữa các địa phương và doanh nghiệp chưa đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ thông tin, chưa nắm rõ cam kết cụ thể và chưa đủ năng lực để đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ, kỹ thuật, môi trường, lao động...

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai FTA chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả, làm giảm tác động lan tỏa của các hiệp định thương mại tự do.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến đầu năm nay, thế giới có khoảng 328 FTA có hiệu lực, tăng mạnh so với 98 FTA vào năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA.