Ông Trần Hùng Huy: Tạm dừng bán vốn, chưa đưa công ty chứng khoán lên sàn
(Dân trí) - Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cho biết ngân hàng tạm dừng tìm đối tác chiến lược cho ACBS và chưa IPO.
Sáng 8/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB) tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại TPHCM.
Tạm dừng tìm cổ đông chiến lược cho ACBS
Liên quan đến câu hỏi về việc tìm cổ đông chiến lược cho Công ty Chứng khoán ACBS, ông Trần Hùng Huy cho biết, ngân hàng đã tìm kiếm và làm việc với một số đối tác, nhưng chưa đạt được sự phù hợp nên tạm thời dừng thương vụ này.
Công ty chứng khoán này chưa có thế mạnh để IPO. Do đó, trong năm nay và năm sau, ngân hàng sẽ tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty chứng khoán, mở rộng danh mục sản phẩm tài chính chất lượng. Vốn của công ty chứng khoán tăng từ 7.000 tỷ đồng lên 11.000 tỷ đồng, để đẩy mạnh các sản phẩm quản lý đầu tư.

Ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB (Ảnh: BTC).
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết, trong quý I, kinh tế vĩ mô trong nước ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, GDP tăng gần 7%, lạm phát được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây như thuế quan đối ứng từ Mỹ đã tạo ra một số thách thức. "Chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho bất kỳ biến động nào", ông Phát khẳng định.
Trong 3 tháng đầu năm, huy động vốn của ngân hàng tăng trên 2%, nợ xấu giảm từ 1,39% xuống 1,34%. Lợi nhuận quý I ước đạt khoảng 4.600 tỷ đồng, tương đương 20% kế hoạch năm. "Đây mới chỉ là bước khởi đầu và chúng tôi còn cả 3 quý phía trước để thực hiện mục tiêu lợi nhuận 23.000 tỷ đồng", ông Phát chia sẻ.
Trả lời câu hỏi về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2025 trong bối cảnh hiện nay, ông Phát thừa nhận chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và toàn cầu, tác động đến tổng cầu, tỷ giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài và tiêu dùng nội địa. Nếu điều kiện không thuận lợi kéo dài, hoạt động tín dụng và biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng.
Tuy vậy, ngân hàng này vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16-18% trong năm nay, kỳ vọng vào sự phục hồi của nhu cầu vay cá nhân và sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản phía Nam.

Tổng giám đốc ACB, ông Từ Tiến Phát (Ảnh: BTC).
Cổ đông đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt
Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên, nhiều cổ đông đặt câu hỏi vì sao ACB vẫn chia 10% cổ tức bằng tiền mặt thay vì chia hoàn toàn bằng cổ phiếu như mong muốn của một bộ phận nhà đầu tư. Các cổ đông lo ngại rằng việc chia cổ tức tiền mặt cao có thể làm suy giảm nội lực tài chính của ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng mở rộng quy mô tài sản trong dài hạn.
Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy cho biết, những năm trước, các cổ đông đã mong ngân hàng cố gắng chia cổ tức tiền mặt. Khi quyết định chia cổ tức dưới hình thức nào, ngân hàng phải cân nhắc yếu tố cân bằng vốn cho cổ đông một cách tối ưu trong trung và dài hạn, chứ không thể chỉ nhìn trong 6 tháng.
Năm 2025, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế mục tiêu là 23.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với mức thực hiện 21.006 tỷ đồng trong năm 2024. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, ngân hàng này còn lại gần 23.634 tỷ đồng lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức. Ngân hàng dự kiến phân phối 11.166 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2024, tương đương tỷ lệ 25% trên vốn điều lệ, trong đó 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Phần lợi nhuận còn lại sau chia cổ tức là 12.467 tỷ đồng.
Đối với phương án tăng vốn điều lệ, ngân hàng dự kiến phát hành gần 670 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 15%) từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hợp nhất tại thời điểm 31/12/2024, sau khi trích lập các quỹ. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 44.667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng. Thời gian thực hiện phát hành dự kiến trong quý III năm nay.