Xử lý 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỷ đồng: “Chúng ta phải tự cứu mình trước"

(Dân trí) - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần có nỗ lực cụ thể giải quyết các vướng mắc của 12 dự án tồn đọng lâu nay. "Dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng phải làm", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một trong số những dự án thua lỗ ngành công thương.
Một trong số những dự án thua lỗ ngành công thương.

Không thể kéo dài mãi

Liên quan tới việc xử lý 12 đại dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương, tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu diễn ra sáng 22/9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Công Thương trước hết, cần tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ.

"Đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được Thủ tướng giao. Việc này không thể kéo dài mãi được. Dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Phát biểu tại cuộc họp về xử lý các dự án yếu kém diễn ra ngay vào buổi chiều cùng ngày, về phương án xử lý, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, để giải quyết bài toán khó khăn liên quan đến vốn vay của các dự án, các tập đoàn, tổng công ty cần xem lại các khoản vay để giãn nợ. Tương tự, về vấn đề khấu hao, các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để dự án được giãn khấu hao.

"Về việc có hay không bỏ thêm tiền để "cứu" các dự án, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải tự chịu trách nhiệm về việc này chứ không nên trông chờ Chính phủ có cho phép hay không", Thứ trưởng đề nghị.

Ông Dương Duy Hương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thành xây dựng phương án xử lý đối với từng dự án. Bao gồm xây dựng dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Quốc hội về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án.

Đồng thời, xây dựng phương án và tổ chức thực hiện gắn với cam kết và lộ trình xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp. Đối với xử lý các khó khăn, tranh chấp của các hợp đồng EPC; trường hợp phức tạp, còn nhiều vướng mắc thì xem xét cho gia hạn đến hết quý I năm 2018.

Theo ông Hưng, kinh phí để khởi động lại nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ do các cổ đông của các doanh nghiệp này xem xét, quyết định. Thuê tư vấn định giá xác định giá trị để xử lý tàu 104.000 DWT của DQS, bán đấu giá nhà máy bột giấy Phương Nam.

"Mục tiêu là đến hết năm 2018 xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp và hết năm 2020 hoàn thành việc xử lý. Đồng thời, sẽ xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp", ông Hưng cho biết.

"Khó mấy cũng phải làm"

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cần có nỗ lực cụ thể giải quyết các vướng mắc của 12 dự án tồn đọng lâu nay.

Theo Bộ trưởng, xử lý các dự án này rất phức tạp nhưng "dù có khó khăn đến mấy, chúng ta vẫn phải làm".

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ này, điều quan trọng là sự chủ động của chủ đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty và của các đơn vị thuộc Bộ...

"Chúng ta phải tự cứu mình trước khi có sự phối hợp của các bộ, ngành; trước khi Thủ tướng phê duyệt phương án cuối cùng. Chúng ta thực hiện bằng trách nhiệm của mình với những việc làm cụ thể chứ không phải chỉ lo báo cáo bằng văn bản", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành công thương đề nghị thời gian tới, có những công việc phải thực hiện theo lộ trình đề ra, do đó, các Tập đoàn, Tổng công ty không phải đợi các quyết định từ Chính phủ mà Bộ Công Thương phải chủ động triển khai thật tốt để giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng.

Đối với các nhiệm vụ chung, Bộ trưởng chỉ đạo, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, các chủ đầu tư phải bám sát nội đung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương để đôn đốc điều tra, rà soát hoạt động của dự án; quyết liệt trong tổ chức doanh nghiệp, kiện toàn bộ máy nhân sự; khai thác các cơ hội từ thị trường để nâng cao hoạt động, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, tạo cơ hội cho các bước tiếp theo như bán vốn...

"Đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho. Trường hợp người đứng đầu không thực hiện đúng trách nhiệm, không chấp hành đúng pháp luật thì phải thay thế, kiện toàn lại để đảm bảo hiệu quả quản lý", Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ rà soát, cập nhật thông tin, gửi Vụ Kế hoạch là đầu mối để hoàn thiện Báo cáo liên quan đến lộ trình và kế hoạch triển khai xử lý 12 dự án hoạt động kém hiệu quả; trình Báo cáo lên Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội vào ngày 30/9. Đồng thời, giao Vụ Kế hoạch ngay đầu tháng 10 lên kế hoạch về việc phân công công việc cụ thể cho các đơn vị trong Bộ, phối hợp với các chủ đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty để triển khai thực hiện quyết liệt việc xử lý dứt điểm 12 dự án trong thời gian tới.

Phương Dung