1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xe bán tải mất doanh số hàng loạt, vì tăng phí trước bạ hay đã hết thời?

(Dân trí) - Sau khi chính thức bị tăng phí trước bạ từ 2% lên mức 6% và 7,2% (riêng Hà Nội), lượng tiêu thụ xe bán tải tại Việt Nam đã giảm hẳn. Trong tháng 4, theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), chỉ có khoảng hơn 1.100 chiếc xe được bán ra, giảm gần 800 chiếc so với cùng năm trước.

Hiện hầu hết các mẫu xe, thuộc dòng pickup của các hãng tại Việt Nam đều bị giảm doanh số. Ford Ranger, ông vua dòng xe bán tải tại Việt Nam bị suy giảm hơn 200 chiếc, Mazda BT50 cũng bị giảm hơn 330 chiếc, các dòng xe như Hilux của Toyota hay Colorado của Chevrolet cũng giảm khoảng 100 chiếc so với tháng trước.

Xe bán tải mất doanh số hàng loạt, vì tăng phí trước bạ hay đã hết thời? - 1

Xe bán tải tụt giảm doanh số, vì tăng phí hay thị hiếu của người tiêu dùng đối với dòng xe đang mất dần

Cụ thể, tháng 4, mẫu Ranger chỉ bán ra thị trường được hơn 438 chiếc, đây là mẫu xe có doanh số cao nhất trong phân khúc. Mẫu Mazda BT50 lại chỉ bán được hơn 110 chiếc, giảm hơn 335 chiếc so với tháng trước.

Tuy nhiên, vẫn có mẫu xe tăng doanh số bán ra, Mitsubishi Triton bán được hơn 377 chiếc, tăng hơn 240 chiếc so với tháng trước.

Theo số liệu của VAMA, tháng 4, doanh số xe pickup giảm đã kéo theo tổng lượng xe này tiêu thụ trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 6.600 chiếc. So với cùng kỳ năm 2017 và 2016, lượng xe này đã giảm nhẹ khoảng 500 đến 600 chiếc.

Theo Nghị định số 20/2019 của Chính phủ, ô tô pickup sẽ phải nộp lệ phí trước bạ lần đầu bằng 60% so với mức lệ phí ban đầu của ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống. Nghị định có thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 10/4/2019.

Như vậy, với phí trước bạ 10% đối với xe dưới 9 chỗ ngồi trở xuống đối với cả nước, phí trước bạ đối với xe bán tải được áp dụng là 6% thay vì 2%.

Đối với riêng Hà Nội, phí trước bạ xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi đang là 12%, xe bán tải sẽ là 7,2% thay vì mức cũ 2%.

Với mức tăng phí trước bạ, các loại xe bán tải thông thường sẽ chịu mức phí cao nhất lên tới 96 triệu đồng và thấp nhất cũng khoảng 30 triệu đồng/chiếc. Mức tăng phí trước bạ mới tương ứng với phí trước bạ cũ khoảng 32 triệu đồng, cao nhất là hơn 60 triệu đồng/chiếc.

Trên thực tế, theo nhiều doanh nghiệp xe bán tải, họ đã chủ động bán xe, có trợ giá, thậm chí tặng phí trước bạ đối với khách hàng, nên phí trước bạ bị điều chỉnh không ảnh hưởng đến người mua xe.

Tuy nhiên, xe bán tải tiêu thụ ngày càng chậm trong 2 năm trở lại đây. Nếu 4 tháng đầu năm 2019, cả nước tiêu hụ được hơn 6.680 chiếc bán tải, thì cùng kỳ năm ngoái 2018, cả nước cũng chỉ tiêu thụ được hơn 4.800 chiếc xe bán tải. Số lượng này thấp hơn nhiều so với hơn 7.200 chiếc xe được tiêu thụ trong 4 tháng cùng kỳ năm 2017 và 2016.

Theo các chuyên gia về xe cùng các doanh nghiệp kinh doanh xe hơi, việc tăng phí trước bạ dòng xe bán tải của Bộ Tài chính chỉ là một trong số nguyên nhân tác động làm giảm doanh số bán dòng xe này. Tuy nhiên, các đại lý, doanh nghiệp cũng đã khuyến mãi, tặng tiền cho khách mua để giải tỏa vấn đề này.

Còn nguyên nhân chính làm giảm tiêu thụ chính là thị hiếu của người tiêu dùng và sự cạnh tranh trên thị trường.

Hiện mức giá xe bán tải ở Việt Nam dao động từ 650 triệu đồng đến 900 triệu đồng/chiếc, cá biệt có xe hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng. Với mức giá đại lý bán ra, khi lăn bánh, cộng thuế, phí, xe bán tải có mức giá khoảng 700 đến 900 triệu đồng/chiếc. Đây là mức giá đang bị so kè, cạnh tranh lớn từ các phân khúc ăn khách hơn, đẹp hơn như MPV, SUV đô thị.

Bên cạnh đó, khách hàng của bán tải hiện giờ vẫn chưa phải là người nông dân, người tỉnh lẻ như tại Thái Lan và một số nước ASEAN do mức giá còn cao. Chính vì vậy, người mua chỉ yếu là đối tượng người trẻ, dân kinh doanh đi lại, điều này cũng khiến phân khúc thị trường đang bị chia lẻ và cạnh tranh khốc liệt và phần thua luôn thiệt về xe bán tải.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm