Xây nhà máy điện rác thứ hai ở Hà Nội, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Nhà máy Seraphin là dự án xử lý điện rác thứ hai ở Hà Nội. Đây cũng là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ lò ghi cơ học vừa đốt rác, vừa phát điện do chính doanh nghiệp Việt đầu tư.

Xây nhà máy điện rác thứ hai ở Hà Nội, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng - 1

Nhà máy điện rác Seraphin với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng được xây dựng tại Sơn Tây, Hà Nội (Ảnh: BTC).

Sáng nay (30/3), Công ty CP Công nghệ môi trường xanh Seraphin thuộc Tập đoàn AMACCAO đã khởi công nhà máy điện rác Seraphin tại Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội.

Ông Nguyễn Trọng Đông - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết nhà máy điện rác Seraphin là một trong những dự án quan trọng của TP Hà Nội, có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Theo ông Đông, đây là dự án nhà máy điện rác thứ hai của Hà Nội, đốt để giảm thể tích phải chôn lấp từ 100% xuống 3%. Trước đó, Hà Nội đã xây dựng nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự kiến hòa lưới điện quốc gia từ tháng 3 năm nay.

Cùng với nhà máy Sóc Sơn, Seraphin khi đưa vào vận hành cơ bản sẽ xử lý rác trên địa bàn TP theo hướng đốt rác phát điện thay cho chôn lấp, coi chất thải là tài nguyên, vì một thành phố xanh sạch đẹp hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề nghị các sở ngành, địa phương tích cực phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai dự án, đảm bảo an toàn chất lượng công trình, đúng tiến độ đề ra, đáp ứng cho nhu cầu xử lý rác thải ngày một lớn của thành phố.

Về phía đại diện chủ đầu tư, ông Tô Văn Nhật - Phó Chủ tịch Tập đoàn AMACCAO - kiến nghị lãnh đạo thành phố, các sở ngành, địa phương tạo điều kiện giúp đỡ giải quyết những vướng mắc và phát sinh cần phải giải quyết như giải phóng mặt bằng, đường dây, đường cấp nước hay hệ thống hạ tầng nội bộ trong khuôn viên nhà máy.

Xây nhà máy điện rác thứ hai ở Hà Nội, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng - 2

Seraphin là một trong những dự án quan trọng của TP Hà Nội, có công suất xử lý 1.500 tấn rác khô/ngày, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng (Ảnh: N.M).

Theo ông Tô Nhật, dự án có quy mô lớn, đồng thời là dự án nhà máy điện rác đầu tiên sử dụng công nghệ lò ghi cơ học vừa đốt rác, vừa phát điện do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nên khó tránh khỏi một số vướng mắc trong quá trình triển khai.

Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải gây bức xúc, nổi cộm, các bãi chôn rác trên địa bàn thành phố Hà Nội đang rất khó khăn vì thiếu mặt bằng và không được nhân dân địa phương gần khu vực xử lý rác thải ủng hộ, việc tạo điều kiện để dự án điện rác Seraphin sớm đưa vào vận hành là rất cấp thiết.

Theo tìm hiểu, công nghệ được sử dụng tại nhà máy Seraphin là công nghệ lò ghi cơ học có xuất xứ từ châu Âu (Seghers - Martin).

 Trả lời vì sao chọn Seghers - Martin, lãnh đạo Tập đoàn AMACCAO cho biết công nghệ này có xuất xứ từ châu Âu. Tuy nhiên Tập đoàn không áp dụng một cách rập khuôn mà đã được đội ngũ các nhà khoa học cải tiến châu Á hóa để phù hợp với loại rác thải của Việt Nam (là rác thải không phân loại có nhiệt trị thấp, độ ẩm cao, có cả thủy tinh, tro xỉ, đinh, kim loại). Hiện trên thế giới đã có 1.564 nhà máy sử dụng công nghệ này thành công.

Thực tế nhiều năm qua, trên thế giới và ngay cả Việt Nam có rất nhiều công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư cũng được nghe nhiều đơn vị thương mại hoặc tư vấn dự án hàng ngày đến thuyết phục áp dụng các công nghệ khác nhau vào xử lý rác thải.

Điều này theo ông Tô Văn Nhật, xảy ra "loạn" công nghệ xử lý rác và nhiều nơi phải trả giá vì thí điểm áp dụng công nghệ mới với hàng chục nhà máy xử lý rác bị phá sản, xây dựng xong không vận hành được do áp dụng máy móc dập. Công nghệ không phù hợp dẫn đến nhà máy áp dụng không hoạt động được làm tiêu tốn hàng tỷ USD.

Nhận thức được điều này, lãnh đạo Tập đoàn AMACCAO đã dành thời gian tỉ mỉ thăm 24 nhà máy và trung tâm xử lý rác thải sinh hoạt thất bại trên thế giới và Việt Nam, đồng thời làm việc tại 59 nhà máy rác (với nhiều loại hình công nghệ khác nhau trên thế giới và Đông Bắc Á, Đông Nam Á), từ đó quyết định lựa chọn công nghệ này.

Được biết, AMACCAO là tập đoàn đa ngành, có tiềm lực tài chính. Trước khi bước chân vào lĩnh vực điện rác, AMACCAO đã có kinh nghiệm đầu tư điện gió, thủy điện…