Xăng dầu xình xịch sốt giá, tranh cướp cổ phiếu "họ P" trên sàn chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Trong bối cảnh giá dầu thế giới đang "sốt xình xịch", cổ phiếu ngành dầu khí trên thị trường chứng khoán phiên khai xuân cũng tăng rất mạnh, nhiều mã đặt mua giá trần cũng không thể mua nổi.

Thị trường chứng khoán phiên khai xuân (17/2) vẫn tiếp tục có diễn biến tích cực trong phiên buổi chiều. Chỉ số chính VN-Index liên tục mở rộng biên độ tăng mà không gặp trở ngại nào.

Đóng cửa, VN-Index tăng 40,85 điểm tương ứng 3,66% lên 1.155,78 điểm trong khi HNX-Jndex cũng tăng 5,67 điểm tương ứng 2,52% lên 230,57 điểm và UPCoM-Index tăng 1,92 điểm tương ứng 2,6% lên 75,74 điểm.

Xăng dầu xình xịch sốt giá, tranh cướp cổ phiếu họ P trên sàn chứng khoán - 1

Cổ phiếu đua nhau tăng trần phiên khai xuân

Một "bữa tiệc tân niên" đúng nghĩa trên thị trường chứng khoán khi có đến 782 mã cổ phiếu đua nhau tăng giá, 122 đua tăng trần. Trong khi chiều ngược lại chỉ có 131 mã giảm, 10 mã giảm sàn.

Thanh khoản vẫn tương đối tích cực dù dòng tiền nhập cuộc chưa thật sự bứt phá như kỳ vọng. Toàn sàn HSX có 568,03 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.898,56 tỷ đồng. HNX có 86,28 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.492,06 tỷ đồng; UPCoM có 45,17 triệu cổ phiếu tương ứng 663,56 tỷ đồng.

Tổng thanh khoản trên toàn thị trường đạt 15.943 tỷ đồng, ghi nhận tăng 11,4% so với phiên 9/2 (phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết). Riêng giao dịch thỏa thuận đạt 1.320,8 tỷ đồng, tăng 21%.

Một tín hiệu rất tích cực đó là dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại. Nếu như trước Tết, khối ngoại rút tiền về rất mạnh thì ở phiên 17/2, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 705,8 tỷ đồng.

Riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX, khối tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng 83,9 tỷ đồng và nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 599,3 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân trong nước lại bán ròng 547 tỷ đồng.

Điều này cũng có nghĩa là trong khi các nhà đầu tư tổ chức và khối ngoại tin tưởng vào đà tăng sắp tới của thị trường thì các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ lại tranh thủ phiên tăng cao để thực hiện bán chốt lời lấy "lộc" đầu năm.

Cổ phiếu nhóm dầu khí phiên hôm qua tăng mạnh và gây sốt với hàng loạt mã tăng trần. Nhiều cổ phiếu được đặt giá cao nhất nhưng không thể khớp lệnh nổi do cạn nguồn cung.

GAS tăng trần lên 86.900 đồng; PVS tăng trần lên 20.600 đồng; PVD tăng trần lên 22.650 đồng; PVT tăng trần lên 17.500 đồng; PET tăng trần lên 16.450 đồng; PXL tăng 6,1%; POS tăng 12,9%; BSR tăng 9,8%; PLX tăng 5,1%...

"Tôi đặt giá trần cổ phiếu PVD từ sáng nhưng không thể khớp nổi nên đành phải hủy lệnh vào buổi chiều để chuyển hướng sang mã khác" - chị Hoài Thu, một nhà đầu tư cho biết.

Thông tin từ Bloomberg cho hay, tổng sản lượng dầu tại Mỹ đã giảm 1/3 - mức giảm kỷ lục, khi thời tiết lạnh giá làm đóng băng các cơ sở sản xuất dầu tại vùng Trung Mỹ.

Nhiệt độ quá thấp gây đóng băng dầu và khí ga hóa lỏng tại các giếng dầu và trong các ống dẫn dầu khiến hoạt động sản xuất dầu ở Texas đã suy yếu đáng kể. Tình trạng gián đoạn sản xuất ở quy mô lớn đã thúc đẩy giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong năm 2021.

Ngoài ra, thời tiết lạnh giá cũng đang khiến các nhà máy lọc dầu phải tạm ngưng hoạt động. Ở Texas, nhiều nhà máy lọc dầu lớn nhất đã đóng cửa sản xuất.

Cập nhật phiên giao dịch sáng 17/2 theo giờ Mỹ cho thấy, giá dầu thô Brent tại Sàn giao dịch hàng hóa New York có lúc tăng 1,6% lên 64,4 USD/thùng. Giá dầu WTI (West Texas Intermidate) có lúc vượt 61 USD/thùng.

Các nhóm ngành khác trên thị trường chứng khoán hôm qua cũng đạt trạng thái tăng tốt. Cổ phiếu ngành chứng khoán tiếp tục tăng mạnh: SSI tăng 5,7% lên 33.550 đồng; VCI tăng 4,9% lên 55.500 đồng; HCM tăng 4,3% lên 29.400 đồng; VND tăng 3,3% lên 28.000 đồng.

Cổ phiếu ngành ngân hàng cũng tăng theo thị trường: VPB tăng trần lên 41.150 đồng, TCB tăng 6,7% lên 38.400 đồng; CTG tăng 4% lên 36.800 đồng; BID tăng 3,2% lên 42.100 đồng…

Thị trường cơ sở trong phiên 17/2 tăng nóng trong bối cảnh giao dịch tại thị trường chứng quyền cũng rất tích cực với 103 mã tăng giá so với 3 mã đứng giá, 10 mã giảm. Trong đó, CVNM2102 và CVRE2014 là hai mã tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng lần lượt 48,7% và 33%.