"Đua" làm giàu từ chứng khoán, gặp cú "sốc" nặng mất ngay 25,5 tỷ USD
(Dân trí) - Hơn 86.000 tài khoản đầu tư chứng khoán mới đã được mở ngay trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, cũng đúng thời gian này, thị trường chứng khoán trải qua cú "sốc" chưa từng có, thổi bay 25,5 tỷ USD.
Hồng Duyên là nhân viên kế toán ở một công ty tầm trung tại Hà Nội. Duyên mới ra trường 2 năm và tổng số tiền mà cô gái trẻ 24 tuổi tích góp được cho đến thời điểm này là 50 triệu đồng.
Vừa phải thuê nhà, tự trang trải cuộc sống ở Thủ đô, số tiền nói trên là một nỗ lực lớn của Duyên. Và cuối tháng 12/2020 vừa rồi, khi khoản tiền tiết kiệm tại ngân hàng H. đáo hạn, Duyên quyết định dốc toàn bộ số tiền mình đang có để đầu tư vào chứng khoán - một kênh vốn được "dán nhãn" rủi ro cao!
"Với kiến thức học được từ ngành tài chính, em cũng đã tiếp cận thông tin của một số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường. Mặc dù có rủi ro, song nếu không như thế thì làm sao có lợi nhuận? Em mới mở tài khoản và vẫn đang nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu thêm về thị trường trước khi tham gia đầu tư thực sự" - Duyên cho biết.
Những nhà đầu tư mới như cô nhân viên kế toán Hồng Duyên trong nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động hơn bao giờ hết. Họ được gọi là nhà đầu tư thế hệ "F0", để phân biệt với những nhà đầu tư cũ, đã tham gia thị trường nhiều năm (Fn).
Thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, tính đến cuối năm 2020, có hơn 2,77 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Riêng số tài khoản trong nước chiếm gần 99%, với 2,74 triệu tài khoản (tương đương 2,8% dân số Việt Nam) bao gồm 2,73 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ hơn 35.000 tài khoản.
Chỉ trong tháng 12/2020 đã có đến 63.243 tài khoản trong nước được mở mới, tăng 53% so với tháng trước và cao nhất từ trước đến nay.
Lũy kế cả năm 2020 có tới 393.659 tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước được mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tỉ lệ tới 99,7% với 392.527 tài khoản, còn lại là nhà đầu tư tổ chức.
Đây cũng là số lượng tài khoản lớn nhất được nhà đầu tư cá nhân trong nước mở chỉ trong một năm, cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Thế nhưng, "cơn sốt" chưa dừng lại đó!
Trước khi có đợt điều chỉnh mạnh (bắt đầu từ ngày 19/1) thì chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư cực kỳ "nóng". Với việc khắp nơi nhà đầu tư "khoe lãi" từ hàng chục phần trăm đến nhân tài khoản gấp 3, 4 lần, chứng khoán trở thành một "mỏ vàng" hứa hẹn mang về lợi nhuận "khủng".
Một bộ phận người dân lầm tin rằng, cứ đầu tư chứng khoán "mua bừa" cổ phiếu nào cũng thắng.
Ngay trong tháng 1/2021, thống kê của VSD tiếp tục cho thấy, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 86.269 tài khoản chứng khoán, tăng tới 36,4% so với tháng trước đó. Đây là số tài khoản mở mới trong một tháng lớn nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Với dòng tiền mới tích cực nhập cuộc, thanh khoản thị trường cũng liên tục phá kỷ lục với những phiên trên 20.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được giao dịch. Tính riêng sàn HSX, trong tháng 1/2021, tổng khối lượng giao dịch đạt 14,78 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 335.900 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,71% và 17,37% so với tháng trước.
Giá trị giao dịch bình quân phiên lên đến gần 16.800 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt trên 739 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 34,97% về giá trị và 25,01% về khối lượng bình quân so với tháng trước.
Nếu so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản thị trường tháng 1/2021 ghi nhận mức tăng trưởng tới 291,04% về khối lượng giao dịch và tăng gần 334% về giá trị giao dịch bình quân phiên.
Với lượng giao dịch lớn nên tình trạng "nghẽn lệnh", "nghẽn mạng" xảy ra thường xuyên hơn trên thị trường trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021.
Tuy nhiên, có thể thấy thời điểm nhà đầu tư "đổ xô" mở tài khoản chứng khoán mới lại đúng vào "đỉnh" VN-Index khi chỉ trong vòng 10 ngày từ 19 đến 28/1, thị trường đã liên tiếp gặp hai đợt giảm khủng khiếp nhất lịch sử. Tổng thiệt hại trong chuỗi ngày này lên tới 168 điểm, vốn hóa thị trường bị "thổi bay" 593.316 tỷ đồng tương ứng 25,5 tỷ USD.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc có những nhà đầu tư vừa mới chỉ gia nhập thị trường đã nhận phải cú "sốc" lớn chưa từng có, mà ngay cả những nhà đầu tư lâu năm cũng không tránh khỏi thiệt hại.