WB khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155%

Thảo Thu

(Dân trí) - WB cho rằng Việt Nam cần tăng thuế ở mức tham vọng hơn và đề xuất phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155%. Bộ Tài chính lại cho rằng áp mức như vậy chưa phù hợp.

Bộ Tài chính đã có hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Bộ Tư Pháp. Bộ này đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Nước ngọt cũng thuộc đối tượng chịu thuế này.

Về việc tăng thuế với rượu, bia, Bộ Tài chính giữ nguyên 2 phương án như trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật trước đó và nghiêng về phương án với rượu từ 20 độ trở lên được áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào năm 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; bia các loại cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.

WB khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% - 1

Các phương án của Bộ Tài chính. Bộ này nghiêng về phương án 2 (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc tăng thuế theo lộ trình của Bộ Tài chính đưa ra là đáng kể nhưng chưa đủ để giảm khả năng chi trả cho rượu, bia theo thời gian. "Việc tăng thuế lớn hơn và cải cách cơ cấu thuế theo hướng áp dụng các loại thuế tuyệt đối sẽ đảm bảo tác động đáng kể hơn đến các mục tiêu sức khỏe", WB cho hay.

Đơn vị này khuyến nghị Bộ Tài chính nên tăng thuế ở mức độ lớn hơn. "Việc tăng thuế ở mức độ thấp sẽ khó có thể ngăn chặn được khả năng mua rượu tăng nhanh ở Việt Nam", WB nêu.

Cụ thể, WB đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% hoặc phương án bổ sung mức tuyệt đối 16.500 đồng tính trên một lít cồn cộng với thuế suất 65% như hiện nay. Việc này đảm bảo rượu, bia không trở nên phổ biến hơn, tác động tích cực tới đảm bảo sức khỏe khi mức độ dùng loại đồ uống này được điều chỉnh.

"Thuế tỷ lệ là 90% và 100% sẽ không đủ để ngăn chặn khả năng chi trả rượu ngày càng tăng ở Việt Nam", WB nêu.

Dù vậy, Bộ Tài chính cho rằng áp dụng thuế tuyệt đối với mặt hàng này chưa phù hợp với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Đơn vị soạn thảo nêu phương án tăng thuế được đưa ra dựa trên chủ trương bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc thù của ngành bia, rượu Việt Nam và cam kết gia nhập WTO.

So với năm 2025, giá bán rượu, bia sẽ tăng 20% vào năm 2026. Các năm sau đó, giá các mặt hàng này sẽ thêm 2-3%, tùy theo lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

WB khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia lên 155% - 2

Bộ Tài chính "chốt" đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia theo lộ trình, lên 100% vào năm 2030 (Ảnh: IT).

Bộ Tài chính cũng tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát (nước ngọt) có hàm lượng đường trên 5 gram trong 100ml. Mức thuế dự kiến là 10%.

Bộ này đề xuất giữ thuế suất với thuốc lá ở 75%, nhưng bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần. Cụ thể, 5.000 đồng/bao từ năm 2026, 7.000 đồng/bao từ năm 2027, 10.000 đồng/bao từ năm 2028, 12.500 đồng/bao từ năm 2029 và 15.000 đồng/bao từ năm 2030.

Theo Bộ Tài chính, phương án về lộ trình tăng mức thuế tuyệt đối tại dự thảo luật gửi xin ý kiến đã được cân nhắc tính toán trên cơ sở các yếu tố như giá thuốc lá tại Việt Nam đang ngày càng rẻ so với thu nhập, dẫn đến sức mua thuốc lá tăng. Ngân sách thu với mặt hàng này dự kiến tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với 2022.

Theo dự kiến, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp vào tháng 5/2025.