"Vụ trưởng quy kết dân quen hít khí trời là xem thường dân"
(Dân trí) - Đó là quan điểm của ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trước phát biểu của ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) về phản ứng của người dân đối với quy định thu phí rút tiền ATM nội mạng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông có đánh giá gì khi ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước có phát ngôn “người dân được cái lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM. Cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp”?
Đó là phát biểu với ý xem thường dư luận, xem thường người dân đang ngày ngày sử dụng dịch vụ ATM. Hiểu một cách khái quát nhất thì mục tiêu khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 20/2007/CT-TTg về việc trả lương qua tài khoản trước hết là tạo ra sự thuận lợi cho khách hàng, tạo một điều kiện để công tác quản lý tốt hơn, nhằm đảm bảo vừa có lợi cho người tiêu dùng và cho cả nền kinh tế.
Vậy nên, càng không thể hiểu ở đây là sự ban ơn của ai đó. Đồng tiền lĩnh ra từ thẻ ATM hoàn toàn là mồ hôi, công sức của người dân, chứ không phải gió biển, khí trời mà quy kết như vậy. Đất nước này được gây dựng nên bởi bao máu xương của các thế hệ đi trước, và nay rất nhiều người đã đóng góp máu xương như thế, đang hàng tháng rút lương hưu qua thẻ ATM.
Lương cán bộ chúng tôi, mỗi tháng được 10 triệu một tháng, ra rút tiền thì ít nhất cũng phải thao tác 2 lần nhưng đen đủi có lần thì máy báo hết tiền hoặc máy dở chứng. Trách nhiệm của hệ thống ngân hàng là phải làm sao tổ chức dịch vụ tốt hơn, để người dân hoàn toàn tin tưởng và thấy rằng, dịch vụ là văn minh hơn, tốt cho mình, cho cả nền kinh tế. Không thể nói “phụ bạc” với dân như vậy. Tại sao người dân ủng hộ một chính sách tốt đẹp của Chính phủ mà lại bị một ông Vụ trưởng quy kết như vậy?
Ông có cho rằng, những phát biểu như vậy càng đẩy nhân dân ra xa cơ quan lãnh đạo, quản lý?
Phát biểu như ông vụ trưởng Bùi Quang Tiên rõ ràng thể hiện sự không tôn trọng người dân. Nhưng tôi tin người dân rất công bằng, sáng suốt, phát biểu của một cá nhân không thể làm người dân xa cơ quan lãnh đạo, quản lý nhà nước.
Phát biểu này của ông Vụ trưởng làm tôi nhớ trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Thuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã có “truy vấn” ông Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về kinh doanh vàng: “Thống đốc trả lời khôn là tốt nhưng cũng đừng nghĩ là dân và đại biểu quốc hội không biết gì”.
Có lẽ tư duy không tôn trọng dư luận, không tôn trọng người dân đã có ở không ít cán bộ quản lý. Đảng ta có khẩu hiệu: “Đảng tận tụy vì dân, dân một lòng tin theo Đảng, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công”. Chỉ khi nào Đảng tận tụy vì dân thì dân mới một lòng tin theo Đảng. Nhưng vẫn còn có những cán bộ còn chưa tận tụy vì dân…
"Công bộc có tư duy cai trị"
Những phát ngôn kể trên phát ra từ miệng “đầy tớ của dân”, càng khiến người dân thêm lo lắng về vai trò trách nhiệm và tư cách của không ít cán bộ. Ông chia sẻ điều này thế nào?
Nghị quyết TƯ4 nói rằng một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về đạo đức, phai nhạt về lý tưởng, đó là thực tế mà chúng ta cũng ít nhiều cảm nhận được. Rõ ràng, có những biểu hiện ở một số người có chức vụ làm cho người dân hiểu rằng những người đó cũng không thực sự lo lắng cho nhân dân, cho sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Dư luận bấy lâu cũng lo lắng về một số người ta có chức vụ chỉ lo cho lợi ích của nhóm, của bản thân mình. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ rất lớn.
Rõ ràng những người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cảnh báo về nguy cơ này. Vấn đề là sự quyết tâm tổ chức thực hiện của từng cấp, từng ngành.
Theo ông, ông Vụ trưởng Bùi Quang Tiên này có nên nói lời xin lỗi dân không?
Theo tôi, cũng nên để ông Tiên có cơ hội giải thích rõ ý kiến của mình và ông Tiên cũng nên xin lỗi người dân. Trong kỳ họp thứ 9 quốc hội khóa 12, tôi phát biểu góp ý rằng: một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước đang có tư duy cai trị nhiều hơn là tư duy phục vụ dân nên cách hành xử cũng theo kiểu cai trị.
Tôi đã dẫn chứng vụ Tiên Lãng - Hải Phòng là một trong những ví dụ điển hình về lối tư duy cai trị, áp đặt ở một số cán bộ. Những cách hành xử như vậy cần phê phán, phải làm cho cán bộ hiểu rằng mình được làm công việc này do có sự phân công của Đảng, do có người dân xây dựng nên đất nước như thế này. Mỗi người được phân công nhiệm vụ gì thì phải cố gắng làm cho tốt.
"Theo đúng quy định của Chính phủ, hàng tháng tôi vẫn lĩnh lương qua thẻ. Và phải nói thật, bên cạnh những ưu điểm nhất định, nhiều lúc cũng gặp phiền toái. Cái quan trọng trước nhất là hệ thống ngân hàng phải nghĩ đến trách nhiệm của mình, làm dịch vụ ATM ngày càng tiện lợi hơn. Và nếu Chính phủ đã quy định bắt buộc thực hiện việc trả lương qua thẻ thì cũng phải có quy định tương ứng về việc trả phí. Ví dụ như, Chính phủ đã quy định cán bộ công chức phải lĩnh lương qua thẻ thì nhà nước có đứng ra trả phí cho dịch vụ đó không? Không thể nào bớt lương của người hưởng lương cho một dịch vụ còn gây nhiều phiền toái", ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |