Phí rút tiền ATM nội mạng: Thu 1 đồng, chi 9 đồng?

(Dân trí) - Chi phí trung bình các ngân hàng bỏ ra cho mỗi giao dịch ATM hiện tại khoảng 7.000 đồng - 9.000 đồng nhưng nhằm chia sẻ với người dân trong tình hình kinh tế khó khăn, NHNN đã quy định mức phí rút tiền mặt tối đa 1.000 đồng/giao dịch.

Nhân viên ngân hàng kiểm tra tiền trước khi tiếp quỹ cho ATM (ảnh: An Hạ).
Nhân viên ngân hàng kiểm tra tiền trước khi tiếp quỹ cho ATM (ảnh: An Hạ).
 
Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đồng thời là Phó Tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch ATM mà ngân hàng bỏ ra là khoảng 7.000 đồng - 9.000 đồng. Theo tính riêng của Vietcombank, với quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1.000 đồng/giao dịch kể từ ngày 1/3 tới, ngân hàng vẫn lỗ 6.000 đồng/mỗi lần giao dịch.

 

Cũng theo thông tin từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, hơn 10 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai hệ thống ATM, nhằm tạo điều kiện cho người dân làm quen với dịch vụ thẻ, nhiều ngân hàng thương mại đã miễn các loại phí sử dụng dịch vụ thẻ ATM cho khách hàng, chấp nhận lỗ để mở rộng mạng lưới và dần nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích về thẻ.

 

“Đây là áp lực rất lớn đối với ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có mạng lưới ATM rộng khắp. Điều này ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển mạng lưới ATM, cũng như đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cung cấp cho khách hàng”, Hội thẻ cho hay.

 

Theo đó, việc cho phép các ngân hàng thu phí sẽ tạo động lực cho các ngân hàng tiếp tục đầu tư vào hệ thống thẻ nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, quy định mức sàn là 0 đồng/lần giao dịch còn khuyến khích các ngân hàng chủ động đưa ra các chính sách phí hợp lý nhất nhằm thu hút khách hàng căn cứ vào thực tế hoạt động kinh doanh thẻ.

 

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện tại đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí rút tiền ATM nội mạng gửi lên Ngân hàng Nhà nước.

 

Trong đó có 2 đơn vị xây dựng mức thu từ 200 - 500 đồng/lần giao dịch nội mạng, 10 đơn vị thu ở mức trần (1.000 đồng/lần giao dịch), 22 ngân hàng còn lại thông báo miễn phí dịch vụ này.

 

Mục tiêu đặt ra của việc quy định thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là nhằm dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ. Bởi vậy, song song với việc ban hành quy định về việc thu phí, NHNN cũng đã ban hành quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM.

 

Tuy nhiên, để khẳng định sẽ không còn hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền hoặc ATM bị trục trặc thì “không ai dám chắc chắn 100%. đối với dịch vụ ATM, chất lượng dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của bản thân ngân hàng mà còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan khác như: Chất lượng các dịch vụ tiện ích bổ trợ cho dịch vụ thẻ như điện, viễn thông và áp lực giao dịch rút tiền dồn vào thời điểm trả lương, dịp lễ, tết… “, ông Tiên nhấn mạnh.

 

Số liệu do Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho thấy, tính đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 50 triệu thẻ ghi nội địa với 50 ngân hàng thương mại tham gia thị trường. Số lượng máy ATM trên toàn quốc hiện đạt khoảng 15.000 máy.

 

Theo Thông tư 35 về thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, kể từ 1/3/2013, các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt với các giao dịch nội mạng. Mức phí áp dụng trong năm 2013 là từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi.

 

Nguyễn Hiền