Vụ tranh mua EVN Telecom: Hanoi Telecom "kêu cứu" Chính phủ
(Dân trí)- Trước thông tin Viettel khẳng định quyết giữ băng tần 3G, Hanoi Telecom tiếp gửi công văn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ với nội dung: Nếu đưa EVN Telecom về Viettel sẽ đồng nghĩa với quá trình “khai tử” các mạng nhỏ và thị trường viễn thông sẽ lại trở về thời độc quyền.
Lãnh đạo Hutchison Telecom cho rằng, hiện thị phần của các mạng lớn đã áp đảo các mạng nhỏ, và Viettel sẽ mạnh hơn nữa nếu chiếm thị phần thống lĩnh hiện có. Điều này sẽ càng cản trở môi trường cạnh tranh vốn đã thiếu cân bằng hiện nay. Hanoi Telecom và đối tác Hutchison Telecom khẳng định, cùng với EVN Telecom hai bên đã có những thỏa thuận chiến lược thông qua mạng Vietnamobile bao gồm một dàn xếp về roaming toàn diện, nhằm tận dụng tối đa dải băn tần 3G được cấp cùng một lúc. Do đó, việc sử dụng đầy đủ mạng 3G đóng vai trò tối quan trọng trong quá trình phát triển của Vietnamobile.
Cũng trong công văn gửi lên Thủ tướng, lãnh đạo Hutchison Telecom mong muốn Chính phủ xem xét, cân nhắc tới khoản đầu từ gần 1 tỷ USD mà doanh nghiệp này đã đầu tư vào dự án Vietnamobile. Bởi trong trường hợp chỉ còn lại một nửa giấy phép sử dụng dải băng tần 3G, VietnamMobile sẽ gần như bị “khai tử” trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thị trường viễn thông hiện nay.
Trước đó, Hanoi Telecom cũng đã đệ đơn lên Chính phủ xin “chồng tiền mặt” mua lại phần băng tần 3G, cơ sở hạ tầng mạng 3G và hệ thống cáp quang của EVN Telecom với “nguyên giá trị đầu tư” và cả những cơ sở hạ tầng còn lại nếu Chính phủ yêu cầu.
Giới phân tích thì cho rằng, kịch bản bất ngờ “sang tên đổi chủ” của EVN Telecom có lẽ không nằm trong tính toán chiến lược của Hanoi Telecom. Trong khi đó, Hanoi Telecom lại quá kỳ vọng vào đối tác chiến lược của mình trong hành trình đến 3G.
Đến thời điểm này, việc EVN Telecom được sáp nhập về đâu vẫn chưa được đưa ra. Tuy nhiên, lãnh đạo Viettel cũng đã bày tỏ quyết tâm quyết giữ băng tần 3G bằng việc xin Chính phủ cho tiếp nhận toàn bộ cơ sở hạ tầng của EVN Telecom. Thậm chí nhà mạng này đã xong lên phương án chi tiết cho việc phát triển tiếp theo khi tiếp nhận “thành viên” mới.
Nhận định về sự kiện, nhiều chuyên gia thị trường lo ngại, nếu thực sự EVN Telecom được đưa về Viettel, các mạng nhỏ mới khai sinh như: Hanoi Telecom/Vietnamobile, Sai Gon Postel/Sfone, Gtel/Beeline, FPT Telecom, Vishipel, CMC Telecom... sẽ không còn cơ hội cạnh tranh. Trong khi đó, 3G được dự báo là xu thế và sẽ bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào cuối năm 2012. Theo đó, thị trường Viễn thông sẽ lại có những “ông trùm độc quyền” mới.
Chuyên gia phân tích, trong trường hợp mọi nguồn lực của EVN và EVN Telecom sẽ được dồn về Viettel - nhà mạng vốn có thị phần lớn nhất trên thị trường hiện nay- sẽ có thêm tới 33000 km cáp quang xuống đến từng bản làng, ngõ xóm. Cùng đó, kho số 10 số quý hiếm và tuyến cáp quang biển Liên Á (đang sinh lợi đáng kể) của EVN Telecom cũng thuộc về Viettel. Nếu vậy, Viettel đương nhiên sẽ không chỉ dừng ở việc cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống mà còn có thể dễ dàng triển khai tích hợp các dịch vụ viễn thông - truyền thông đa phương tiện đến từng hộ gia đình- vấn đề các mạng nhỏ chưa thể với tới.
Hơn thế, nếu khoản tài nguyên mang tính quyết định “tần số vàng” không bao giờ đẻ thêm ra được nay lại thuộc sở hữu của Viettel, nhà mạng này sẽ chiếm gấp 3,3 lần tổng quỹ tài nguyên tần số thông tin di động 2G, 3G so với Hanoi Telecom/Vietnamobile và chiếm tới 50% tổng quỹ tần số 3G của quốc gia. Trong khi cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile cộng cả lại chỉ có được 50% còn lại.
P. Thanh