Vì sao Hanoi Telecom quyết “mua bằng được” EVN Telecom?

(Dân trí) - Trong khi hai “đại gia” FPT và VTC từ chối mức giá “hữu nghị” thì Hanoi Telecom đã gửi công văn lên Chính phủ và EVN Telecom xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G "với nguyên giá trị đầu tư".

Thời gian gần đây các báo dồn dập đưa tin về EVN Telecom nợ nần thua lỗ "nợ mẹ đẻ nợ con" với những khoản dư nợ hơn 7.000 tỷ đồng, chưa kể đến phần đầu tư thua lỗ từ việc đầu tư vào mạng thông tin di động 3G. Thương vụ mua bán chuyển nhượng mạng di động này giữa nhà điện với những doanh nghiệp đã được báo chí theo dõi sát sao.

Sau khi FPT từ chối mua lại EVN Telecom mặc dầu đã đặt cọc 200 tỷ đồng, rồi đến VTC đã đăng ký mua lại 30% cổ phần EVN Telecom với giá thấp hơn rồi sau rồi cũng “im lặng ra đi”,  bỏ lại khoản đặt cọc 120 tỷ đồng.

Dư luận còn đoán già đoán non EVN Telecom phải cơ cấu và sáp nhập với các tập đoàn viễn thông lớn chỉ nay mai. Mới đây báo chí cũng đưa tin Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khẳng định với báo giới  “Chưa có phương án cụ thể cho việc sáp nhập EVN Telecom". Như vậy đến nay vẫn chưa biết EVN Telecom sẽ thuộc về ai.

Nhưng bất ngờ lại xuất hiện trước thông tin Hanoi Telecom đã gửi công văn lên Chính phủ và EVN Telecom xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng 3G "với nguyên giá trị đầu tư" thậm chí còn cam kết "Nếu chính phủ mong muốn Hanoi Telecom xin mua lại toàn bộ EVN Telecom với giá cả và điều kiện đúng như hợp đồng đã ký giữa EVN Telecom và VTC".

Nhiều ý kiến cho rằng đây là ý định quá mạo hiểm của Hanoi Telecom. Tuy nhiên, giới am hiểu trong lĩnh vực đầu tư đều biết rõ, đằng sau Hanoi Telecom đã có gã khổng lồ Hutchison Telecom đối tác trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đến thời điểm này tập đoàn này đã đầu tư vào mạng di động Vietnamobile 880 triệu USD cho mạng 2G và đang đầu tư lớn hơn vào mạng 3G.
 
Tuy nhiên, tại sao Hanoi Telecom lại quyết mua bằng được EVN Telecom trong khi công ty này đang nợ nần chồng chất?

Vấn đề là bởi Hanoi Telecom và EVN Telecom chung nhau một băng tần 3G. Nếu Hanoi Telecom không mua lại được phần bằng tần của EVN telecom mà để một trong những ông lớn viễn thông khác mua lại thì chắc rằng Hanoi Telecom (quản lý mạng Vietnamobile) sẽ bị "chơi khó", thậm chí có thể bị chèn ép. Hơn thế, khi chỉ còn nửa băng tần, doanh nghiệp này rất khó có thể cạnh tranh với những ông lớn vốn đã được quá nhiều ưu đãi, nay lại còn được thêm băng tần.

Trong khi đó, cuộc đua về viễn thông là cuộc đua đường trường. Có khi chính các “ông lớn” cồng kềnh đang hao lực đầu tư dàn trải sẽ có lúc khó tránh khỏi hụt hơi. Khi ấy, nếu trường vốn,  Hanoi Telecom - Hutchison Telecom sẽ vượt lên, bứt phá. Do đó, có thể thấy, toan tính mua lại EVN Telecom là một bài toán chiến lược của doanh nghiệp này.

Theo chuyên gia, đứng trên quan điểm khách quan để suy xét, EVN Telecom thuộc về ai thì có lợi hơn? Sáp nhập vào các tập đoàn viễn thông nhà nước hay bán cho các doanh nghiệp như FPT, VTC hay Hanoi Telecom? Bài toán vốn/tài sản/lỗ nếu lại chuyển qua các doanh nghiệp nhà nước khác thì Nhà nước vẫn phải chịu phần thua lỗ.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, vấn đề trước mắt khi bán  EVN Telecom cho các doanh nghiệp khác là thu lại được tiền ngay để trả nợ ngân hàng, ngành điện sẽ không còn phải oằn mình gánh khoản lỗ ngày càng phình to, trong khi nguồn thu chỉ trông vào giá điện.

P. Thanh