Sức hút từ “chúa chổm” EVN Telecom
Ra đời năm 1995, sau 16 năm hoạt động, EVN Telecom thua lỗ nặng. Sau khi có thông tin chuyển giao doanh nghiệp viễn thông này về cho Viettel, Hanoi Telecom bất ngờ đề nghị mua lại băng tần 3G của EVN Telecom.
Chuyển giao cho Viettel
“Cảm” được “cái chết” đang đến gần, từ năm 2009, EVN Telecom đã mở rộng với nhiều đối tác, trong và ngoài nước. Sau khi từ chối hai đối tác đến từ Singapore và Malaysia, EVN Telecom chịu ngồi với FPT để thương lượng chi tiết khi đối tác chịu mua 60% phần vốn nhà nước trong EVN Telecom. Nhưng thương vụ này không thành, FPT bị EVN Telecom tạm giữ khoản tiền “đặt cọc” 708 tỉ đồng. Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh nói với phóng viên rằng, cuối năm nay sẽ được trả lại khoản tiền trên vì đã có đối tác mua lại EVN Telecom.
Sau khi có thông báo ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao EVN Telecom về Viettel, ngày 12/10/2011, Viettel ra nghị quyết số 413 do thiếu tướng Dương Văn Tính ký, trong đó có đoạn ghi rõ: “Đồng ý tiếp nhận nguyên trạng toàn bộ cơ sở vật chất, bộ máy... của EVN Telecom từ EVN theo tinh thần: nhanh chóng, tỉ mỉ, rõ ràng, chặt chẽ... mà vẫn đảm bảo mối quan hệ hợp tác”.
Một nguồn tin từ tập đoàn Viettel xác nhận, Viettel đã chuẩn bị xong thủ tục và nhân sự để tiếp nhận EVN Telecom. Trong tháng 10, Viettel sẽ trình Chính phủ phương án tiếp nhận. Khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển giao sẽ hoàn tất.
EVN Telecom sở hữu những gì?
Theo các chuyên gia trong ngành viễn thông, bốn khối tài sản được xem là vốn quý của EVN Telecom gồm: năm cổng kết nối quốc tế tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, An Giang và Quảng Trị, hơn 40.000km cáp quang tại 63 tỉnh thành, băng tần của hai mạng CDMA 450MHz và 3G cùng với hệ thống đường trục Bắc – Nam với dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps.
Một chuyên gia trong ngành viễn thông (đề nghị không nêu tên) tiết lộ, theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản vào năm 2010, chỉ tính riêng hệ thống cáp quang của EVN Telecom có giá trị trên 1 tỉ đôla Mỹ.
Điều đáng quan tâm là của “hồi môn” nào EVN Telecom sẽ mang theo khi tách khỏi EVN? Ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia tư vấn độc lập của ngành viễn thông nói: “Đến giờ này không ai biết trong khối tài sản trên, phần nào là phần của tập đoàn Điện lực (EVN), phần nào là phần của EVN Telecom”.
Ông Diệp cho biết thêm, theo nguồn tin riêng của ông, cổng kết nối quốc tế, hạ tầng cáp quang và phần lớn trạm BTS thuộc quyền sở hữu của EVN chứ không phải của EVN Telecom.
Ông nói: “Theo tôi biết, phần tài sản đứng tên EVN Telecom rất ít. Còn băng tần CDMA 450MHz và 5MHz của băng tần 3G không có nhiều ý nghĩa với nhà mạng Viettel”. Tuy nhiên, trong nghị quyết của Viettel cũng chưa đề cập đến phần tài sản của EVN Telecom mà chỉ giao phòng kỹ thuật “đánh giá toàn bộ hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin các tuyến cáp, các trạm BTS… để có kế hoạch sử dụng sau bàn giao”.
Trong khi Viettel chờ tiếp nhận EVN Telecom, ngày 18/10/2011, Hanoi Telecom, đối tác cùng xây dựng mạng 3G với EVN Telecom, có công văn gởi Chính phủ và các bộ có liên quan để được mua lại phần băng tần 3G của EVN Telecom trong liên danh.
Trong công văn trên, Hanoi Telecom giải thích việc mua lại như vậy sẽ làm yên lòng nhà đầu tư nước ngoài “đang rất hoang mang về việc các nguồn lực và lợi thế cạnh tranh tiếp tục tập trung trở lại cho các tập đoàn viễn thông nhà nước sẽ không khỏi chèn ép các doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…”
Lối thoát cho EVN Telecom đã được mở ra nhờ Viettel. Nhưng tiến trình này chắc cũng không đơn giản. Hứa hẹn còn nhiều điều bất ngờ trong thương vụ này…