Vụ thoái vốn Sabeco: Thương hiệu Việt, vận động cho mạnh để...đem bán?

(Dân trí) - Nhận xét vụ thoái vốn gần 54% từ Sabeco, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, cần xem lại tính pháp lý của Vietnam Beverage cũng như ý đồ sâu xa của nhà đầu tư. Có người còn đặt câu hỏi: Thương hiệu Việt, phải chăng vận động cho mạnh để ...bán?

Tiếc nhiều hơn vui!

Khi nói về thương vụ cổ phần hóa tại Sabeco diễn ra thành công ngày 18/12, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Tiếc nhiều hơn vui".

Ông Tín cho rằng, cần phải rà soát lại tính pháp lý của công ty Vietnam Beverage – một công ty có liên quan đến ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, đơn vị đã mua thành công 51% vốn điều lệ của Sabeco.

Việc công ty Vietnam Beverage mới thành lập 6/10, có trụ sở đặt tại một hẻm nhỏ ở Hà Nội... mà tham gia một thương vụ lớn như vậy là... bất thường.

Theo quy định, đối tác nước ngoài chỉ được mua 49% cổ phần. Trong khi đó, Vietnam Beverage về bản chất là doanh nghiệp ngoại nhưng "núp bóng" doanh nghiệp nội để mua 51% cổ phần.

"Khi sở hữu 51% thì Vietnam Beverage có quyền khống chế trong tay. Theo luật doanh nghiệp, 10% cổ phần thì có 1 chân trong HĐQT. Có 51% tức là có 5 chân rồi. Trong khi mình còn lại 49%, chỉ có 4 chân. 4 chân sao đấu với 5 chân nổi. Đó là chưa tính sắp tới sẽ xảy ra nhiều chuyện như thị phần, thị trường, giá cả... rất phức tạp", TS Tín nói.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín cho rằng, thương vụ này đem lại nhiều suy tư cho người tiêu dùng Việt. Những người yêu chuộng thương hiệu quốc gia, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài sẽ thấy bị tổn thương và tiếc cho một thương hiệu Sabeco mà với họ đã khá quen thuộc, là niềm tự hào bao nhiêu năm qua.

53,59% cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) đã chính thức được bán, Bộ Công Thương thu về gần 110 ngàn tỷ đồng
53,59% cổ phần của Bia Sài Gòn (Sabeco) đã chính thức được bán, Bộ Công Thương thu về gần 110 ngàn tỷ đồng

Tìm hiểu ý đồ sâu xa

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao trăn trở: Sabeco đang chiếm tới 41% thị phần Việt Nam. Ai làm ăn cũng biết, dù thị trường nào, cũng hiếm có doanh nghiệp hàng tiêu dùng nào mạnh vậy, sao đành bán?

"Muốn khai thác cho đáng, sao không bỏ vài triệu đô thuê CEO, phát triển tiếp, sẽ kiếm ra gấp một chục lần, thu dài dài, mà tài sản quí vẫn là của mình?", bà Hạnh đặt câu hỏi.

Là người sáng lập ra chương trình vận động "Ưu tiên dùng hàng Việt", từ thương vụ Sabeco, bà Hạnh đặt câu hỏi: Sau 7 năm vận động thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để...bán?

Bà Hạnh bày tỏ sự không đồng tình khi số cổ phiếu bán cho Vietnam Beverage là 54% chứ không phải là 49%. Khi cần bán vì túng quá, bán, sao không dừng để lấy 49 đồng, vẫn giữ con mình, là của mình, mà cứ phái lấy tới 54 đồng để “nó” phải đổi chủ về tay người ta.

Bà Hạnh cho rằng, việc ông chủ mới của Sabeco bị rớt cổ phiếu, mất mấy trăm tỷ đồng sau thương vụ mua cổ phiếu ở công ty bia rượu này làm dấy lên nỗi lo.

Điều quan trọng trong thương vụ này, không chỉ đơn thuần là sở hữu Sabeco mà người ta đang muốn mua đứt luôn được thị trường hàng tiêu dùng và những sản phẩm bia...

"Mình nghĩ rằng, không uống bia Sài Gòn thì uống bia Hà Nội. Tuy nhiên, theo suy đoán của tôi, sau khi chiếm lĩnh thị phần cao nhất và đứng đầu rồi, không có bia Việt Nam nào sống nổi với nhà đầu tư ngoại này đâu. Họ đến đây là để giành thế áp đảo trong cạnh tranh", bà Hạnh nói.

Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cũng cho rằng, bên cạnh bia, tỷ phú Thái đang muốn "thâu tóm" tất cả sản phẩm giải khát khác. Và từ kênh bia rượu để đưa sản phẩm khác vào, tức là người ta lấy thị trường để bán sản phẩm của người ta chứ không phải cạnh tranh bia với ta làm gì.

"Cái mà ta mất là thị trường hàng tiêu dùng. Người ta không cạnh tranh bia với mình mà người ta sẽ lấy cả ngành công nghiệp về nước giải khát, lấy luôn cả thị trường hàng tiêu dùng liên quan xa gần đến loại hàng này. Hiện ta chưa thấy. Nhưng phải 3-5 năm sau mới thấy. Lúc đó thì có làm gì được đâu", bà Vũ Kim Hạnh trăn trở.

Từ thương vụ Sabeco như chuyện... đã rồi, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, trong những thương vụ kế tiếp, chúng ta cần tìm hiểu ý đồ sâu xa của nhà đầu tư nước ngoài.

"Mình nghĩ ý đồ của người ta đơn giản quá. Làm ra được 5 tỷ mà xách qua đây chơi chứng khoán và để thua mình thì không có đâu", bà Hạnh cảnh báo.

Công Quang

Vụ thoái vốn Sabeco: Thương hiệu Việt, vận động cho mạnh để...đem bán? - 2