53% cổ phần Sabeco về tay người Thái: "Đã là cuộc chơi thì phải tuân thủ quy luật"
(Dân trí) - Hậu bán Sabeco, doanh nghiệp này, thương hiệu này có thể tốt lên hoặc xấu đi, chúng ta phải tuân thủ. Vấn đề ở đây là cách chúng ta bán phải thực sự giá cao nhất, minh bạch nhất, thị trường nhất.
Đó là nhìn nhận của Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch hãng luật Basico khi trao đổi với PV Dân trí về các vấn đề pháp lý xung quanh việc bán hơn 53% cổ phần của Sabeco cho tỷ phú Thái Lan.
Thưa luật sư, việc người Thái chi gần 5 tỷ USD nắm hơn 53% cổ phần của Sabeco đã khiến dư luận có nhiều nghi ngại về số phận, thương hiệu của hãng bia này trong thời gian sắp tới bởi chính bản thân DN mua Sabeco cũng hoạt động trong ngành bia rượu, nguy cơ bị thâu tóm thương hiệu là rất cao, ông có quan điểm thế nào?
- Thoái vốn, bán DN không cần thiết Nhà nước nắm giữ là chủ trương của Việt Nam, nếu đã là chủ trương thì chúng ta chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận vấn đề thị trường và tôn trọng nó.
Hậu bán Sabeco, DN này, thương hiệu này có thể tốt lên hoặc xấu đi, chúng ta phải tuân thủ. Vấn đề ở đây là cách chúng ta bán phải thực sự giá cao nhất, minh bạch nhất, thị trường nhất.
Trong một DN, người "cầm chịch" là người sẽ nắm vốn chi phối sẽ quyết định, cuộc chơi, phát triển hay phá sản nhanh hay chậm, sớm hay muộn và như thế nào là thuộc về họ.
Nếu một nhà đầu tư nắm được 65% cổ phần thì có thể quyết mọi thứ, thậm chí cả giải thể công ty tuy nhiên nếu nắm trên 51% mà dưới 65% thì chỉ có thể quyết được các vấn đề thông thường thôi như: Chia cổ tức, ký hợp đồng này kia, còn cái quan trọng như sửa đổi, bổ sung điều lệ chẳng hạn thì họ phải sở hữu 65%.
Hiện nay, chúng ta đang giữ 36%, tức là Việt Nam vẫn có thể phủ quyết được mọi vấn đề. Nói thẳng với nhau rằng nên để DN tự quyết, Nhà nước sắp tới cũng rút hết vốn ra để cho DN trong nước tham gia mua vào, rồi để DN, sản phẩm, thương hiệu vận động, phát triển theo thị trường.
Thoái vốn tại Sabeco như kiểu nuôi được cô gái đẹp, gả đi, nhưng gả đi cũng cần phải "gả tất tay" chứ không nên đặt quyền lợi, yêu cầu phải thế này, phải thế kia. Các DN Việt vẫn ở thế phải bán chứ chưa xem trọng việc xây dựng thương hiệu tốt, bán với giá cao.
Quá trình định giá, nhiều thông tin Sabeco chỉ được các hãng nước ngoài định giá khoảng 140.000 đồng/cổ phần, cao nhất cũng là 180.000 đồng/cổ phần, nhưng cuối cùng là 320.000 đồng/cổ phần, nhiều người cho rằng điều này là thành công. Tuy nhiên, ngay sau đó giá SAB lên 330.000 đồng, nhiều nhà đầu tư ngoại lắc đầu, cuối cùng phiên chào bán cạnh tranh chỉ có mình "ông Thái" với giá mua 320.000 đồng/cổ phần, ông nghĩ sao về điều này?
- Thực ra nếu bán giá thấp lè tè thì mới có vấn đề, nếu cao ngất ngưởng thì bán cho ai cũng vậy, không vi phạm luật chơi là được. Sau khi định giá là 320.000 đồng/cổ phần, giá Sabeco có tăng cao lên 330.000 đồng đến 340.000 đồng/cổ phần, điều này loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, khiến ngày 18/12, cuộc đấu giá "cạnh tranh" đã an bài khi chỉ có nhà đầu tư Thái Lan và một cá nhân tham gia.
Nhiều người hoài nghi, nhưng theo tôi nếu việc định giá từ ban đầu từ các tổ chức quốc tế thấp nhưng sau đó xác định giá bán 320.000 đồng, rồi thậm chí cao hơn mà vẫn có người mua đây là điều thành công rồi. Còn nếu về đối thủ cạnh tranh mua bán Sabeco, nếu họ có tiềm lực mạnh thì đã tham gia mạnh vào cuộc cạnh tranh.
Nhiều người dẫn bài học của việc bán PS, Dạ Lan ngày xưa là điển hình cho thất bại, mất thương hiệu của thoái vốn, thậm chí bài học của mất vốn Nhà nước tại liên doanh Coca-cola cũng thế... Tuy nhiên, bây giờ các công ty vẫn giữ thương hiệu, ra siêu thị vẫn còn bán PS, vẫn đủ sức cạnh tranh thì chúng ta không nên quá lo lắng.
Điều cần quan tâm nhất là sau bán đi, DN sẽ hoạt động thế nào? Thuế khóa ra sao, môi trường kinh doanh sắp tới có tốt để khuyến khích họ phát triển hay không? Nếu tốt thì họ sẵn sàng họ làm, duy trì thương hiệu chứ không dại gì bỏ một đống tiền để xóa bỏ thương hiệu, đưa sản phẩm mới vào và khiến người tiêu dùng quay lưng với mình.
Trong cuộc chơi mua bán Sabeco, rõ ràng người Thái đã rất chủ động khi thông qua công ty con lập tại Việt Nam để ôm trọn 53% cổ phần, thế cờ và nước tính cao tay hơn các nhà đầu tư khác, ông có cho rằng họ lách luật?
- Việc người Thái đứng sau 1 công ty, theo tôi ai cũng biết và DN Việt cũng làm được điều này khi ra nước ngoài bởi luật pháp cho họ mà. Tuy nhiên, luồng tiền ra, tiền vào của hoạt động này cũng chịu kiểm soát, thanh tra thuế, rất sòng phẳng và được pháp luật thừa nhận. Không vi phạm gì cả thì tôi cho rằng đó là chuyện đầu tư bình thường.
Điều đáng nói là họ dám làm, tính kế đầu tư hơn nhà đầu tư Việt. Cái chúng ta đáng quan tâm nhất hiện nay là phải chống chuyển giá, chống gian lận và đánh thuế hai lần.
Vấn đề của vốn Thái qua M&A Sabeco cũng được coi là vốn đầu tư, chỉ khác là vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào từ đầu, M&A là vào sau, khác nhau cách thức nhưng đều là bản chất đầu tư nước ngoài. Bản chất na ná như nhau, chúng ta quan trọng kiểm soát được DN để họ hoạt động theo đúng pháp luật vừa tạo niềm tin.
Trong cuộc chơi này, thiếu vắng DN Việt, tôi nghĩ điều này rất đáng nói trên các yếu tố. DN Việt có hào hứng, có muốn mua hay không. Câu trả lời là có, rất nhiều bởi không chỉ có người Thái mà nhà đầu tư Việt cũng nhìn ra cơ hội.
Tuy nhiên, quá trình thoái vốn, cách thức thoái vốn có huy động được nguồn trong nước hay không? Có DN nào tầm cỡ của Việt Nam dám bỏ gần 5 tỷ USD mua Sabeco hay không? Ở đây phải xuất phát từ chính DN họ có muốn hay không, sau đó xem xét xem thể lệ cuộc chơi và cách chơi của chúng ta có thể huy động được vốn trong nước để đúng với tinh thần phát triển kinh tế tư nhân; nuôi cô gái đẹp, lựa bán cho người trong nước để bảo toàn mọi thứ.
Quan điểm của tôi là Sabeco đã được yêu cầu thoái vốn lâu rồi chúng ta không làm được, người ta cũng nghĩ đến chuyện bán cho trong nước rồi chứ không phải không. Cần mở hết cỡ, đừng băn khoăn quá nhiều vì không nhà đầu tư nào dại dột bỏ 5 tỷ USD mua một thương hiệu sau đó phá sản cả. Chắc gì vào trong tay DN Việt, họ có thể có chiến lược làm ăn bài bản hơn, tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền (Thực hiện)