Vụ giám đốc Nhã Nam xin lỗi: Góc nhìn về xử lý khủng hoảng truyền thông
(Dân trí) - Một số chuyên gia truyền thông nêu ý kiến về lời xin lỗi được đăng tải trên trang mạng xã hội của Nhã Nam có 1 triệu lượt theo dõi với những góc nhìn liên quan tới xử lý khủng hoảng truyền thông.
Gần 1h ngày 18/4, trang mạng xã hội chính thức có dấu tick xanh mang tên Nhã Nam có bài viết được đăng tải với nội dung mở đầu là "Lời xin lỗi".
Nội dung bài thông báo nêu ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - xưng ngôi "tôi", điều từ trước đến nay hiếm xuất hiện trên trang mạng xã hội của Nhã Nam. Nhân vật này cho hay thời gian qua có nhiều tin đồn liên quan tới những gì đã xảy ra trong quá trình làm việc của ông và một nữ nhân viên trong công ty.
"Tôi đã có một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô. Những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể", trích đoạn thông báo trên trang mạng xã hội Nhã Nam.
"Hôm nay tôi cũng muốn xin lỗi đồng nghiệp, bạn bè, các đối tác thân thiết, các độc giả yêu sách Nhã Nam vì đã bị làm phiền bởi rất nhiều tin đồn sai lệch trên mạng về câu chuyện trên", trích đoạn bài đăng.
Phía dưới phần bình luận của bài đăng trên trang mạng xã hội Nhã Nam nhận về hàng nghìn lượt ý kiến phản hồi từ cộng đồng mạng, những người từng ủng hộ Nhã Nam.
Một số ý kiến nêu việc đăng tải sự việc có tính chất tiêu cực của cá nhân trên trang mạng xã hội của công ty là điều không nên làm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh công ty đã được xây dựng trong nhiều năm qua.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, giảng viên đại học, người thường có những bài phân tích thu hút nhiều sự quan tâm trên trang cá nhân, cho rằng lời xin lỗi của giám đốc Nhã Nam là "một pha đi vào lòng đất", càng khiến những người quan tâm sự việc này cảm thấy thất vọng.
Ông Linh bày tỏ quan điểm khi bài đăng này xuất hiện trên fanpage chính thức của Nhã Nam có nghĩa rằng vị giám đốc đã không tách rời công ty với cá nhân do đó có thể làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Theo ông Linh, người này nên đăng bài xin lỗi ở trang cá nhân, hoặc chia sẻ với truyền thông, sau đó dẫn đường link về trang mạng xã hội của Nhã Nam.
Còn về phía công ty, theo ông Linh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa ra một thông điệp dưới dạng một thông cáo báo chí có tính trung tính và tích cực hơn trong trường hợp này.
Đồng quan điểm trên, ông Nam Nguyễn - giám đốc một công ty truyền thông, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý hình ảnh, quản lý truyền thông cho các nghệ sĩ nổi tiếng - cho rằng cách xin lỗi trên trang mạng xã hội chính thức là điều không phù hợp.
Trước khi đăng tải lời xin lỗi, phía công ty nên biết khủng hoảng truyền thông đang ở mức độ nào, đối tượng cần xin lỗi là ai, cần bồi thường như thế nào, từ đó mới quyết định kênh truyền thông phù hợp.
Trong trường hợp này, đối tượng "cô" trong bài viết đã nhận được lời xin lỗi hay chưa, đã cảm thấy thỏa đáng hay chưa là vấn đề nên được đặt ra, sau đó mới tới lời xin lỗi trên truyền thông.