Vụ cá tra trong “danh sách đỏ”: Có thể bị... chơi xấu

(Dân trí) - Nguyên nhân cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ vẫn chưa được làm rõ. Trong khi đó, với một sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế như cá tra Việt Nam, theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, chúng ta phải chấp nhận việc có thể bị “chơi xấu”.

Vụ cá tra trong “danh sách đỏ”: Có thể bị... chơi xấu - 1
Quá nhiều rào cản khi cá tra Việt Nam bơi vào Mỹ.
 
Vì sao cá tra hay bị bôi xấu?

Trong những năm gần đây, cá tra là một trong những loài thủy sản luôn được người tiêu dùng Châu Âu lựa chọn trong các bữa ăn gia đình do chất lượng an toàn với giá cả phải chăng.

Trên trang web của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết, các nghiệp đoàn và tổ chức khai thác cá thịt trắng tại Châu Âu cạnh tranh không lại nên đã mở nhiều chiến dịch bôi xấu cá tra về môi trường nuôi.

Song thực chất, từ năm 2004, cá tra Việt Nam đã được nuôi trong ao đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 CM do Hiệp hội Tiếp thị Thực phẩm (FMI) Mỹ làm chủ sở hữu và điều hành.

Tiêu chuẩn này đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm nghiêm ngặt cả của Mỹ và nhiều nước khác, cũng như thỏa mãn những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng ở các thị trường.

Hiện nay, hầu hết DN chế biến và xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam đã xây dựng các hệ thống xuyên suốt từ con giống tới sản phẩm XK nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”.

Một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Gobal GAP. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã và đang được XK đến trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản...

Đây là minh chứng cho thấy sản phẩm cá tra Việt Nam không chỉ được ưa thích vì hương vị thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chính vì vậy, thông tin Cá tra Việt Nam bị đưa vào danh sách đỏ trong Cẩm nang Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản do Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) vừa công bố đã gây bức xúc không chỉ đối với các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mà cả người tiêu dùng trên khắp thế giới.

Chấp nhận việc có thể bị “chơi xấu”

Theo lý giải của đại diện Tổ chức thủy sản toàn cầu thuộc WWF, nguyên nhân chính dẫn đến việc cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ là do các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên cũng như việc sử dụng thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra “có vấn đề”. Song cho đến thời điểm này, chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó.

Phía Vasep cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, họ đã lập tức liên lạc với WWF Việt Nam để tìm hiểu nhằm bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam và quyền lợi chính đáng của người nuôi cá, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra nước nhà. Tuy nhiên, Vasep vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ WWF Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực Vasep cho rằng, nếu đúng là WWF đưa cá tra nước ta từ danh sách vàng (năm 2009) sang danh sách đỏ trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản thì đây là một việc làm bất thường.

“Tại sao cá tra Việt Nam đang được nuôi, chế biến và xuất khẩu ngày càng tốt hơn nhưng WWF lại xếp vào danh sách “xấu” hơn”. Không những vậy, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển cá tra, nghị định về cá tra cũng đang được soạn thảo, đáng ra WWF phải ủng hộ và hỗ trợ mới đúng. Tại sao WWF lại đi ngược lại?” - ông Dũng nói.

Hiện cá tra là một sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế, nhiều loại cá nuôi ở các nước mà chúng ta xuất khẩu cá tra vào không “đọ” nổi nên việc cá tra cố tình bị “bôi bẩn” ở một số thị trường là không thể tránh khỏi.

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: “Chúng ta phải chấp nhận việc cá tra có thể bị “chơi xấu”. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải từng bước hạn chế và loại bỏ những hiện tượng tương tự sẽ diễn ra trong tương lai thông qua chương trình quảng bá thương hiệu cá tra trên thị trường các nước đối tác”.

Lan Hương