Vụ bầu Kiên: Làm rõ chi tiết đầu tư chứng khoán gây thiệt hại 687 tỷ đồng

Mặc dù bị cấm đầu tư vào cổ phiếu của ngân hàng mẹ theo quy định pháp luật nhưng Công ty chứng khoán ACBS vẫn thực hiện.

Nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động của các công ty chứng khoán, từ năm 2007, Bộ Tài chính đã đưa ra quy định về sự hạn chế đầu tư của các CTCK. Tuy nhiên, các lãnh đạo của Ngân hàng ACB và Công ty chứng khoán ngân hàng ACB (ACBS) đã vi phạm các quy định này gây thiệt hại 687,7 tỷ đồng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Cụ thể, theo tài liệu truy tố, tháng 11/2009, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đã có quyết định cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao do nhận định giá cổ phiếu đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư sinh lợi. Thường trực HĐQT ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) Chủ tịch Hội đồng đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này.

Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS tiến hành đầu tư một số cổ phiếu trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng ACB.

Công ty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ. Tại thời điểm đó, Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán có quy định về hạn chế đầu tư: Công ty chứng khoán không được đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán.

Như vậy, theo đúng quy định pháp luật, Công ty ACBS không được phép đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB. Để lách quy định trên, ông Kiên đã chỉ đạo Công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Á Châu (Công ty ACI), và CTCP Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (Công ty ACI – Hà Nội). Cả hai công ty này đều do ông Kiên thành lập và làm đại diện theo pháp luật.

Theo đó, Công ty ACBS hợp tác với Công ty ACI đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng, với Công ty ACI – Hà Nội là 700 tỷ đồng và Công ty ACBS có quyền duyệt danh mục các loại cổ phiếu trước khi mua, bán.

Để Công ty ACBS có tiền mua cổ phiếu, ông Kiên chỉ đạo Ngân hàng ACB cho Ngân hàng Kiên Long vay liên ngân hàng 1.000 tỷ đồng, cho Vietbank vay 500 tỷ đồng với lãi suất 9,8% - 11,7%/năm. Sau đó, hai ngân hàng này lại cho Công ty ACBS vay lại thông qua hình thức mua trái phiếu của Công ty ACBS, lãi suất 11,05%/năm – 14%/năm để Công ty ACBS có tiền đầu tư cổ phiếu.

Cơ quan điều tra xác định, việc Ngân hàng ACB chuyển tiền cho Công ty ABCS thông qua cho việc Kienlongbank và Vietbank vay tiền liên ngân hàng đã khiến Ngân hàng ACB bị thiệt hại 60,4 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất.

Ma trận vay mượn

Việc hợp tác này còn gặp rắc rối và dẫn đến nhiều giao dịch loằng ngoằng khác. Nguyên nhân là sau khi Công ty ACBS đã chuyển 1.500 tỷ đồng cho hai công ty nói trên đứng tên mua hơn 51,7 triệu cổ phiếu ACB với số tiền 1.544 tỷ đồng thì tháng 7/2010, Công ty Kiểm toán PwC phát hiện việc đầu tư này là trái pháp luật. Công ty Kiểm toán PwC đã yêu cầu Công ty ACBS phải loại bỏ số cổ phiếu ACB ra khỏi danh mục hợp tác đầu tư.

Với yêu cầu này của kiểm toán, Công ty ACI và Công ty ACI – Hà Nội phải trả lại số tiền đã đầu tư cổ phiếu cho Công ty ACBS. Số tiền này từ đâu ra?

Thủ thuật tạo tiền của bầu Kiên đòi hỏi khả năng kiểm soát được nhiều định chế tài chính
Thủ thuật tạo tiền của bầu Kiên đòi hỏi khả năng kiểm soát được nhiều định chế tài chính
 
Ngân hàng ACB tiếp tục cho Vietbank vay liên ngân hàng số tiền 1.693 tỷ đồng lãi suất 9,8% - 11,7% sau đó Vietbank cho 2 công ty nói trên vay lại toàn bộ thông qua hình thức mua trái phiếu với lãi suất 11,05% - 14,6%. Chênh lệch lãi suất này khiến cho Ngân hàng ACB bị thiệt hại số tiền 12,78 tỷ đồng (Vietbank được hưởng).

Như vậy, Công ty ACI và Công ty ACI – Hà Nội đã vay 1.693 tỷ đồng của Vietbank qua hình thức phát hành trái phiếu sau đó trả cho Công ty ACBS và đổi lại là sở hữu 51,7 triệu CP ACB.

Những giao dịch vay mượn phức tạp vẫn chưa kết thúc. Ngày 21/12/2011, trái phiếu 500 tỷ đồng bán cho Vietbank của Công ty ACI đến hạn. Khi đó, số cổ phần ACB vẫn đang được Công ty ACI và Công ty ACI – Hà Nội nắm giữ. Do đó, Công ty ACI phải tìm nguồn để trả nợ. Ngoài số tiền thu nợ (được 200 tỷ đồng). Công ty ACI vay thêm Ngân hàng Nam Á 385 tỷ đồng để trả cho Vietbank.

Tiếp tục, để có tiền trả cho Vietbank, tháng 4/2012, Công ty ACI lại vay của Ngân hàng ACB 400 tỷ đồng.

Đến tháng 7/2012, Công ty ACI vay 506 tỷ đồng từ Ngân hàng Phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HDBank), tài sản bảo đảm là 37,5 triệu cổ phiếu ACB. Số tiền này dùng để trả nợ Ngân hàng ACB và một số khoản nợ khác.

Tháng 9/2012, để thu hồi khoản nợ này, HDBank đã bán 32,9 triệu cổ phiếu ACB.

Như vậy, sau một loạt giao dịch, Công ty ACI và Công ty ACI Hà Nội nắm giữ 19,5 triệu CP ACB, trị giá 578,56 tỷ đồng (tính theo giá bình quân mua vào là 29.566 đồng/CP).

Ngân hàng ACB đã chuyển cho Công ty ACI và Công ty ACI – Hà Nội số tiền 1.693 tỷ đồng (qua Vietbank) để trả tiền mua 51,7 triệu CP ACB. Hai công ty này còn nợ lại Vietbank số tiền 1.193 tỷ đồng và qua đó Vietbank còn nợ Ngân hàng ACB số tiền này.

Tuy nhiên, hai công này chỉ còn lại số cổ phần tương đương 578,5 tỷ đồng. Như vậy, Ngân hàng ACB chưa thu hồi được số tiền 614,4 tỷ đồng.

Do đó, cơ quan điều tra xác định hành vi thống nhất ban hành chủ trương đầu tư cổ phiếu ACB trái quy định pháp luật của các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Thạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu này của ông Nguyễn Đức Kiên đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 687,7 tỷ đồng.

Hành vi của các bị can trên đây đã phạm vào tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và bị truy tố ở khung hình phạt 10 – 20 năm tù giam.

Theo Hoàng Duy
ĐTCK
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước
Dòng sự kiện: Xét xử Bầu Kiên