VTC vẫn muốn mua EVN Telecom

Ông Nguyễn Hoàng Phong, Giám đốc công ty Digicom (thuộc VTC), Phó ban Dự án tham gia cổ phần EVN Telecom của VTC khẳng định: hiện tại VTC hoàn toàn có đủ động lực và tiềm lực để mua EVN Telecom và chưa bao giờ muốn rời bỏ dự án này.

Trong những tháng cuối năm 2011, sự kiện gây nhiều chú ý trong ngành viễn thông đó là nhiều đơn vị lên tiếng muốn mua lại EVN Telecom, trong đó có VTC, Viettel và Hanoi Telecom (Công ty cổ phần Viễn Thông Hà Nội - Đơn vị sở hữu Vietnamobile).
 
VTC vẫn muốn mua EVN Telecom  - 1

 

VTC vẫn muốn mua EVN Telecom

 

VTC và EVN Telecom đã thương thảo hợp đồng trong tháng 4 và tháng 5/2011 về việc VTC sẽ mua lại 30% cổ phần của EVN Telecom với số tiền VTC đặt cọc ban đầu là 130 tỉ đồng.

 

Tuy nhiên, tháng 9/2011, EVN Telecom đưa ra thông báo với VTC là Chính phủ có văn bản đề nghị nhà mạng này tạm ngừng việc cổ phần hoá, VTC tôn trọng quyết định nói trên đồng thời có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về nguyện vọng mua lại EVN Telecom, gửi tới EVN Telecom công văn với nội dung là vẫn muốn mua lại nhà mạng này nếu EVN Telecom có nhu cầu cổ phần hóa.

 

Trong buổi họp giao ban báo chí gần đây, Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết vẫn chưa quyết định về trường hợp EVN Telecom. Trong khi, cả Hanoi Telecom và Viettel đều muốn mua lại mạng viễn thông này.

 

Đối với kinh doanh trên thị trường viễn thông, về lý thuyết bao giờ cũng phải đầu tư cơ sở hạ tầng trước và thu lãi dựa trên dịch vụ, EVN Telecom chưa có dịch vụ đa dạng nên việc lỗ ban đầu là điều dễ hiểu. Nếu VTC mua lại thành công EVN Telecom, "VTC tin chắc rằng sẽ thắng và chúng tôi có những chuyên gia giỏi để đưa ra nhận định ấy", ông Phong cho biết điều mà EVN Telecom thiếu là dịch vụ, còn VTC lại là tổng công ty có dịch vụ đa dạng từ truyền hình số, cung cấp các thiết bị đầu cuối và các dịch vụ nội dung phong phú khác.

 

Về mặt công nghệ, CDMA dùng cho dịch vụ điện thoại cố định đặc biệt tốt, dùng cho dịch vụ không dây cũng có nhiều ưu điểm, công nghệ này cũng giải quyết được bài toán năng lượng cho tương lai, trong khi không có biện pháp nào giải quyết tốt vấn đề năng lượng bằng việc tiết kiệm… ngay cả thuỷ điện, nhiệt điện cũng đã được đưa ra những cảnh báo gây nguy hại đến môi trường.

 

VNPT cách đây 10 năm chỉ có vài triệu thuê bao, cách đây hơn 5 năm Viettel cũng mới bắt đầu từ con số không trong thị trường di động và hiện nay họ là số 1 trên thị trường di động và các doanh nghiệp khác cũng có thể phát triển như vậy nếu có cơ hội - Giám đốc Digicom khẳng định.

 

Lãng phí và độc quyền?

 

Hiện nay, hạ tầng của các nhà mạng đang bị trùng lặp gây lãng phí tài nguyên quốc gia, ở các quốc gia phát triển thì hạ tầng được dùng chung và các nhà mạng chia sẻ lẫn nhau. Hạ tầng 3G vẫn chủ yếu nằm trong tay VNPT và Viettel, gây khó khăn cho những nhà cung cấp dịch khác, hậu quả là việc người dùng không có nhiều dịch vụ hơn để lựa chọn, do các nhà mạng lớn không có nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

 

Nếu để EVN Telecom sáp nhập với Viettel, sẽ không còn cạnh tranh trên thị trường viễn thông nữa và kết quả là người dùng chịu thiệt. Thị trường sẽ chỉ còn là cuộc đua song mã giữa Viettel và VNPT nhờ chiếc “roi” 3G quất ngã mọi đối thủ khác và việc này không có cơ sở cho việc phát triển bền vững, do một thị trường viễn thông ổn định cần 3 - 4 đơn vị khác nhau tham gia.

 

Nếu EVN Telecom sáp nhập với Viettel bao gồm cả tài nguyên tần số 2G, 3G thì Viettel sẽ sở hữu trên 50% tổng quỹ tần số 3G của Việt Nam, quan điểm của Hanoi Telecom là việc này vi phạm luật cạnh tranh. Trước đó, ngày 9/11 Hanoi Telecom cũng đã có công văn  gửi Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Hội đồng cạnh tranh, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng về vấn đề này.

 

Nếu Viettel mua lại thành công EVN Telecom, thì với "nửa giấy phép" 3G Hanoi Telecom khó lòng cung cấp ra thị trường dịch vụ 3G, do không thể cạnh tranh về giá với Viettel và VNPT do chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng quá lớn.

 

Theo Bảo Anh
VTCNews