EVN Telecom về đâu?

Trong Quyết định số 55/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước chỉ nắm cổ phần chi phối (trên 50%) đối với 5 doanh nghiệp viễn thông từ ngày 1/12/2011, không có EVN Telecom.

Điều này có thể hiểu, tới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ không còn chi phối “đứa con” EVN Telecom nữa. Nếu vậy, EVN Telecom sẽ về đâu?

 

Lỗ triền miên

 

Chuyện kinh doanh thua lỗ của EVN Telecom từ một hai năm trở lại đây thực ra không có gì là mới, có điều, khoản lỗ, nợ nần chi tiết, cụ thể bao nhiêu thì chưa được doanh nghiệp cũng như các đối tác công bố.

 

Theo một số doanh nghiệp viễn thông, lâu nay, EVN Telecom đã không trả được nợ cước kết nối, khoản nợ này khá lớn và các đối tác đã có thể dừng lại việc kết nối đối với các thuê bao của EVN Telecom.

 

Kinh doanh thua lỗ, nhưng trong cuộc “chạy đua” dành giấy phép cũng như các khoản đầu tư để triển khai cung cấp dịch vụ 3G, doanh nghiệp này đã phải bỏ ra một khoản vốn tương đối lớn. Có điều, khoản vốn đầu tư lại… chủ yếu là đi vay.

 

Tại hội nghị tổng kết triển khai 3G do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cách đây chưa lâu, một lãnh của Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực cho biết, tính tới thời điểm hiện tại, EVN Telecom đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng để triển khai mạng 3G. “Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp chỉ là 20%, còn lại 80% là đi vay!”, vị này “than thở” để được xin rút tiền đặt cọc cho 3G.

 

Trong khi đó, nguồn thu từ dịch vụ 3G của EVN Telecom còn rất khiêm tốn. Còn kinh doanh dịch vụ 2G cũng không thực sự hiệu quả và thường xuyên lỗ.

 

Chính vì EVN Telecom làm ăn không hiệu quả nên lãnh đạo tập đoàn EVN trong một buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho biết là tập đoàn sẽ không giữ cổ phần chi phối EVN Telecom nữa để tập trung vào làm điện. Thế nhưng, kế hoạch bán cổ phần EVN Telecom, cụ thể ở đây là với FPT, đã bất thành!

 

Sẽ về đâu?

 

Khi EVN không nắm quyền chi phối EVN Telecom nữa, “bến bờ” nào sẽ là điểm đỗ của doanh nghiệp viễn thông điện lực này?

 

Đây là câu chuyện của cơ cấu chủ sở hữu. Cơ cấu lại sở hữu của một doanh nghệp Nhà nước thông thường sẽ có bốn trường hợp: bán cổ phần, cho thuê lại, sáp nhập hoặc tuyên bố phá sản.

 

Tất nhiên, cả ba trường hợp là bán cổ phần, cho thuê lại hoặc tuyên bố phá sản đều rất khó thực hiện trong bối cảnh hiện này và gần như sẽ không thể xảy ra. Vì những lý do như, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, vị thế cũng như thương hiệu của doanh nghiệp rất thấp trong môi trường ngành, thị trường cạnh tranh gay gắt và đã hình thành những tên tuổi lớn, vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng mạng vẫn cần thiết để phát triển dịch vụ và là doanh nghiệp của Nhà nước.

 

Còn lại, phương án Chính phủ sẽ sáp nhập EVN Telecom với một doanh nghiệp Nhà nước khác là có khả thi hơn cả. Cũng chính vì thế, trong những ngày qua, một số thông tin cho rằng nhiều khả năng sẽ có cuộc sáp nhập giữa EVN Telecom với Viettel. Sở dĩ, vì Viettel là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong “chiến trường” kinh doanh viễn thông, có chiến lược kinh doanh tốt và đặc biệt là có bộ máy quản trị khá chuyên biệt và hiệu quả thích hợp với xu thế hiện đại.

 

Hơn nữa, việc sáp nhập giữa EVN Telecom và Viettel cũng đơn giản về thủ tục pháp lý vì đều là doanh nghiệp Nhà nước. Việc sáp nhập chỉ là sang tên, đổi chủ và trên cơ sở bàn giao nguyên trạng cơ sở hạ tầng.

 

Trước thông tin này, trả lời PV hôm 19/10, một lãnh đạo EVN Telecom cho biết, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có tín hiệu hay thông tin gì từ lãnh đạo tập đoàn EVN về việc sáp nhập EVN Telecom với Viettel.

 

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, thực tế việc sáp nhập giữa EVN Telecom vào Viettel đã và đang được bàn thảo và sẽ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Đây đều là doanh nghiệp của Nhà nước nên việc sáp nhập như thế nào sẽ do Chính phủ quyết định, khả năng, sang tháng 11, Chính phủ sẽ có kết luận chính thức”, vị lãnh đạo trên của EVN Telecom cho biết.

 

Theo Mạnh Chung

VnEconomy