Vốn trăm triệu USD lỗ nặng ngàn tỷ, mưu đồ của ông lớn ngoại

Sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.

Chịu lỗ khủng
 

Đầu năm 2015, Aeon tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, hai chuỗi bán lẻ siêu thị lớn ở hai miền Bắc, Nam. “Một mũi tên trúng hai đích”, đại gia bán lẻ ngoại tham vọng sự hợp tác này giúp tăng tốc phát triển tại thị trường Việt Nam, vừa nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về thương hiệu của họ.

Lúc này, Citimart đã phát triển hệ thống với 27 siêu thị ở sáu tỉnh thành của Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM, Hưng Yên, Nha Trang, Bình Dương, Kiên Giang... Còn Fivimart, hệ thống siêu thị được điều hành và quản lý bởi CTCP Nhất Nam cũng có 10 siêu thị ở Hà Nội và đặt mục tiêu 2020 sẽ có 30 siêu thị trên toàn quốc. Kết quả, sau 3 năm hợp tác với Aeon, Fivimart đã mở rộng hệ thống với số lượng siêu thị lên tới 30.

Vốn trăm triệu USD lỗ nặng ngàn tỷ, mưu đồ của ông lớn ngoại - 1

Bán lẻ trong nước được đánh giá tiềm năng lớn

Cuối tháng 9/2018, đại gia bán lẻ Nhật Bản này đã quyết định bán đi 30% cổ phần đang nắm giữ tại Fivimart cho bên thứ ba. Aeon cho rằng động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.

Trong khi đó, hệ thống bán lẻ của Aeon liên tục mở rộng. Aeon đã khai trương hàng loạt trung tâm mua sắm. Ngoài 4 trung tâm Aeon Mall đã đi vào hoạt động, tới đây Aeon sẽ tiếp tục mở thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông.

Theo kế hoạch được công bố, Aeon sẽ mở 20 đại siêu thị Aecon Mall tại Việt Nam đến năm 2025. Đại gia bán lẻ này coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á với kế hoạch mở rộng lên 30 trung tâm thương mại quy mô lớn, có mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD

Ngoài Aeon, những thương hiệu hiện đang có kế hoạch và chiến lược phát triển lớn mạnh có thể kể đến Lotte và sắp tới là các thương hiệu như CJ và Emart của Hàn Quốc.

Việc các doanh nghiệp ngoại luôn nhòm ngó thị trường bán lẻ Việt Nam là bởi họ nhìn ra được nhiều điểm mạnh: quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội và TP.HCM cao, thu nhập gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn.

Bên cạnh đó là niềm tin của người tiêu dùng cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm giải trí của người Việt. So sánh với các thị trường trong khu vực, Hà Nội và TP.HCM hiện có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, cho thấy nhiều dư địa phát triển.

Thị trường đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, đem đến một điểm đến chứ không chỉ là một trải nghiệm mua sắm.

Điểm yếu của bán lẻ Việt Nam

Đánh giá về chiến lược của các đại gia ngoại, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng, sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới đang chỉ bắt đầu. Việc các doanh nghiệp lớn như Vingroup và Saigon co-op trong thời gian qua mở rộng kinh doanh về nhiều các tỉnh thành lớn và thâu tóm các thương hiệu nhỏ lẻ là minh chứng cho điều này.

Câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ có lẽ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại.

Vốn trăm triệu USD lỗ nặng ngàn tỷ, mưu đồ của ông lớn ngoại - 2

Cuộc chơi không dễ dàng

Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả 2 bên hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.

“Thị trường sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực phát triển và thành công”, bà Hằng cho hay.

Đánh giá về điểm yếu, theo bà Hằng, thị trường bán lẻ trong nước chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu mặt bằng bán lẻ cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn tạo đà thay đổi cục diện đầu tư, thói quen mua sắm tại một số địa phương, khu vực mà việc quy hoạch này hiện đang diễn ra một cách thụ động.

Chi phí đất cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm BĐS khác như nhà ở.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh với các thị trường ở quốc gia khác đối với các mặt hàng cao cấp, bởi tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng mua sản phẩm cao cấp tại nước ngoài.

Theo nghiên cứu mới nhất của Savills Việt Nam, riêng với thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ đã lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng; những khu vực trước đây thiếu mặt bằng bán lẻ thì nay cũng đã có những dự án phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm và vui chơi giải trí. Đối với thị trường TP.HCM, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ cũng đã đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so Q2/2018.

Theo Duy Anh

VietnamNet