1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vỡ đường ống nước 14 lần, không khởi tố: Lo bỏ lọt tội phạm, gây dư luận xấu?

(Dân trí) - Theo phân tích của luật sư,việc các cơ quan tố tụng xác định một số cựu lãnh đạo của Vinaconex có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự là không có cơ sở.

Vỡ đường ống nước 14 lần, không khởi tố: Lo bỏ lọt tội phạm, gây dư luận xấu? - 1

Như tin đã đưa, vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex)", đồng thời chuyển hồ sơ tới Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 9 bị can.

Cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng "khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu" nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Phân tích dưới góc độ quy định pháp luật, LS Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, để được miễn trách nhiệm hình sự thì phải căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành. Cụ thể, theo quy định tại điều 25 Bộ luật hình sự thì trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo LS Hùng, việc Cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự là không có cơ sở.

"Bởi những khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu chỉ là yếu tố được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà thôi, còn việc người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm phải được diễn ra trước khi hành vi phạm tội được phát giác. Còn ở đây những hành vi phạm tội đã được khởi tố thì dù có thành khẩn cũng được không áp dụng theo quy định trên, tức không được miễn trách nhiệm hình sự", ông Hùng phân tích.

Ông Hùng cũng cho biết, theo quy định của Bộ luật thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, khi người thực hiện hành vi phạm tội mà cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu tội phạm thì phải tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định pháp luật. Căn cứ theo tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 229 bộ luật Hình sự thì những người nêu trên đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều luật này.

"Những hành vi của người vi phạm theo tôi là đã gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội vì những thiệt hại về vật chất mà xã hội và người dân Hà Nội phải gánh chịu trong những năm qua vì việc vỡ ống nước liên tục. Nếu việc điều tra, truy tố, xét xử mà không xử lý hình sự những người nêu trên thì gây bất bình đẳng và không công bằng cho những người vi vi phạm khác mà Bộ luật hình sự đã quy định. Quan trọng hơn việc làm này của cơ quan tố tụng có thể bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt đồng phạm và tạo nên dư luận xấu về vị việc này, một vụ việc mà dư luận vốn đã bức xúc từ lâu", ông Hùng nói.

Là luật sư tham gia bảo vệ cho 1 bị cáo trong vụ án này kể từ giai đoạn kết thúc điều tra, LS Trần Đình Triển (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, dự án đường nước Sông Đà – Hà Nội là dự án nhóm A, do Vinaconex làm chủ đầu tư, mọi quyết định do Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc Vinaconex quyết định về phân bổ vốn đầu tư, tiến độ, kỹ thuật, giám sát, nghiệm thu, bảo hành…

Theo ông Triển, các bị cáo trong vụ án này là nhận công việc qua ký kết hợp đồng với Vinaconex và họ đã thực hiện cơ bản đúng với hợp đồng đã ký kết. Sai phạm cơ bản dẫn đến đường ống bị vỡ, gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây bức xúc cho công luận, theo ông Triển là do: khảo sát thiếu đầy đủ về hệ thống đất đai đặt đường ống để có thiết kế đảm bảo độ bền vững của hệ thống không bị lún, va đập, áp suất, cong gãy, vỡ…

"Tất cả những lần vỡ đường ống đều xẩy ra tại đoạn đầm lầy, ao hồ,…có nền đất móng đặt đường ống không đảm bảo. Mặt khác, chất liệu, kỹ thuật làm đường ống và kỹ thuật đặt đường ống đều do lãnh đạo Vinaconex quyết định. Các bên ký kết hợp đồng chỉ là người thực thi theo đúng cam kết, điều khoản trong hợp đồng. Các đơn vị, hay nói cụ thể là các bị cáo trong vụ án này đã thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Vinaconex thì không thể buộc tội cho họ được. Nếu có sai phạm thì lãnh đạo Vinaconex phải chịu trách nhiệm trước pháp luât", ông Triển cho biết.

Ông Triển cho rằng: "Vụ án này đã đi ngược lại khi người thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Vinaconex thì bị truy tố; lãnh đạo Vinaconex làm sai dự án, thi công, kỹ thuật… và trái pháp luật thì bỏ ra ngoài vụ án với lý do như là “nhân thân tốt”. Theo quy định của pháp luật thì nhân thân tốt chỉ là một tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình; nếu đây trở thành án lệ thì mọi tội phạm mà có nhân thân tốt thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay sao?".

Phương Dung