1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Không xử lý hình sự các cựu lãnh đạo Vinaconex

Do bị cáo khai báo thành khẩn,nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng... cơ quan tố tụng thấy rằng không cần thiết phải xử lý hình sự đối với các cựulãnh đạo Vinaconex.

Ngày 15-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), chuyển hồ sơ tới VKSND Tối cao đề nghị truy tố chín bị can.

Các bị can trong vụ án gồm Trần Cao Bằng, nguyên giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên phó giám đốc Công ty Cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì, nguyên trưởng đoàn tư vấn giám sát của Công ty Cổ phần nước và môi trường Việt Nam -Bộ Xây dựng (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, đều nguyên là cán bộ Công ty Viwase; Hoàng Thế Trung, Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển, nguyên là giám đốc, phó giám đốc và Trưởng phòng Vật tư thiết bị - Ban QLDA đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà - Hà Nội.

Trước đó, ngày 31-5, TAND TP Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ án này.

Khắc phục sự cố bể đường ống.
Khắc phục sự cố bể đường ống.

Theo hồ sơ, năm 2004, HĐQT Tổng Công ty Vinaconex đã quyết định cho thay đổi vật liệu tuyến ống, đưa vào sử dụng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh khi chưa thẩm định hiệu quả sử dụng.

Việc lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực cung cấp sản phẩm composite cho dự án, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… đã khiến công trình liên tục xảy ra sự cố khi vận hành sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng.

CQĐT xác định việc làm của các cựu lãnh đạo Vinaconex có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 BLHS.

Tuy nhiên, kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi của các lãnh đạo Vinacomex. Người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trên là ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên tổng giám đốc, ủy viên HĐQT, đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu. Do đó, liên ngành tư pháp trung ương xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 2-2012 đến tháng 9-2015, tuyến ống nước sạch sông Đà - Hà Nội bị vỡ 14 lần, khiến doanh nghiệp khai thác phải chi hơn 13,4 tỉ đồng để khắc phục sự cố.

Hậu quả những sự cố này khiến doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho Hà Nội trong thời gian 343 giờ, lượng nước ngừng cấp là hơn 1,5 triệu m³, gây ảnh hưởng đến 177.000 hộ dân.

Theo Tuyến Phan
Pháp luật TPHCM