1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vinacomin: Lương bình quân giảm còn 7,2 triệu đồng

(Dân trí) - Nửa đầu năm 2012, Vinacomin ước đạt doanh thu 43.200 tỷ đồng và 500 tỷ đồng lợi nhuận, lương cán bộ công nhân viên giảm nhẹ so mức 7,7 triệu đồng hồi năm ngoái. Khó khăn mà Tập đoàn đang gặp phải chủ yếu ở lượng tồn kho tăng.

Lượng than tồn kho cao ảnh hưởng lớn tới cân đối sản xuất, việc làm và tài chính của tập đoàn.
Lượng than tồn kho cao ảnh hưởng lớn tới cân đối sản xuất, việc làm và tài chính của tập đoàn.

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý II của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, nửa đầu năm 2012, Vinacomin đạt doanh thu ước 43.200 tỷ đồng và thu lợi nhuận 500 tỷ đồng. 

Lương bình quân cán bộ công nhân viên của Tập đoàn đạt 7,2 triệu đồng/người/tháng. Trước đó, Báo cáo về lao động và thu nhập của người lao động các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương năm 2011 cho thấy, mức lương mà cán bộ nhân viên làm việc tại Vinacomin được hưởng trung bình hồi năm ngoái là 7,7 triệu đồng/người/tháng. So với nhiều tập đoàn khác, lương tại Vinacomin ở mức trung bình. 

Lãnh đạo Vinacomin cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2012, Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và khu vực, giá cả các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao. 

Ở trong nước, mặc dù lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, khó tiếp cận nguồn vốn. Tình hình tiêu thụ than chậm, tồn kho cao, gây nên mất cân đối dòng tiền trong doanh thu và chi phí, tác động mạnh đến công tác quản trị tài chính. Thêm vào đó, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp...

Theo Quân đội nhân dân, dự kiến đến 30/6/2012, tổng số than tồn kho tại Vinacomin khoảng 8,5 triệu tấn. Lượng than tồn kho cao do các hộ tiêu dùng than trong nước gặp nhiều khó khăn nên đã không thu mua than của công ty theo hợp đồng đã ký (dự kiến cả năm giảm 3 triệu tấn so với hợp đồng đã ký).

Lượng than tiêu thụ giảm đã làm ảnh hưởng lớn tới cân đối sản xuất, việc làm và tài chính của tập đoàn. Tiền lương bình quân giảm so với cùng kỳ năm trước, công tác sản xuất chế biến tại các đơn vị cũng gặp khó khăn, hai nhà máy than cũng đã phải tạm nghỉ kéo than mỏ trong một số ngày do khó khăn về kho bãi chứa.
 
Tuy nhiên, thời gian nửa đầu năm, Tập đoàn đã tiến hành khởi công xây dựng dự án hầm lò mỏ Núi Béo. Một số dự án trọng điểm đầu tư cho sản xuất chính là than, điện, khoáng sản, hóa chất được đẩy tiến độ, như Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê đã chính thức hòa lưới điện quốc gia, về đích trước thời gian 2 tháng so với kế hoạch. 

Kết thúc ngày 29/6 vừa rồi, đã có 4 nhà đầu tư đăng ký mua tổng cộng 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất trả năm đầu tiên đạt 14,5% - theo Báo Đầu tư. Trước đó, tập đoàn này đã lên kế hoạch phát hành 3.000 tỉ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5-7 năm trong 2012 này, lãi suất thả nổi và được trả hàng năm.

Đầu tháng 6, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) giữ nguyên xếp hạng BB- và triển vọng tiêu cực với Vinacomin. S&P cảnh báo, tập đoàn sẽ đối mặt với nguy cơ bị hạ xếp hạng trong 12 tháng tới nếu dòng tiền hoạt động yếu đi, làm giảm tính thành khoản và ảnh hưởng xấu đến bảo lãnh tín dụng của Tập đoàn.

Trước đó, ngày 27/4, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đã hạ triển vọng Vinacomin từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Bích Diệp