Vinacomin "tố khổ" với Quốc hội về giá than bán cho EVN

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Vinacomin, ông Trần Xuân Hòa - đại biểu QH tỉnh Quảng Ninh, hiện giá than bán cho điện vẫn chỉ ở mức xấp xỉ 50% giá thành. Vinacomin đang phải bù lỗ cho điện khoảng 8.500 tỷ đồng tính theo giá thành, 900 triệu USD theo giá xuất khẩu.

Nhân phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường về nội dung tái cấu trúc nền kinh tế chiều 8/6, đại biểu tỉnh Quảng Ninh, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tiếp tục kiến nghị Quốc hội nâng giá bán than cho điện lên mức giá thị trường.
 
Vinacomin xin được bán than theo giá thị trường
Vinacomin "xin" được bán than theo giá thị trường

"Chúng tôi tha thiết và khẩn cầu với Quốc hội về việc cho bán than theo giá thị trường" - ông Hòa nói. 

Theo đó, cho đến thời điểm hiện tại, giá than bán cho điện vẫn chỉ ở mức xấp xỉ 50% giá thành. Cụ thể, nếu giá thị trường ở mức trên 1,2 triệu đồng/tấn chưa tính lợi nhuận định mức thì giá bán than cho các nhà máy điện mới chỉ xấp xỉ 600.000 đồng/tấn.

Ông Hòa nhẩm tính, như vậy, với  13,5 triệu tấn than cung cấp cho các nhà máy điện trong năm nay, nếu tính theo giá thành, Tập đoàn Than Khoáng sản phải bù lỗ khoảng 8.500 tỷ đồng. Nếu tính theo giá than xuất khẩu thì phải bù cho điện khoảng 900 triệu USD. 

Từ năm 1986, đặc biệt từ khi thành lập Tổng công ty Than (nay là Vinacomin) hồi tháng 10/1994, Chính phủ cho phép Vinacomin thực hiện cơ chế lấy xuất khầu bù giá trong nước và lấy tích lũy để đầu tư.  Nhờ đó, sau 3 năm thành lập, đến năm 1997, đạt mốc 3 triệu tấn than. 

Tới đây, khối lượng than xuất khẩu đã giảm, toàn bộ để phục vụ trong nước. Nếu không điều chỉnh giá bán than cho điện thì tập đoàn không biết lấy tiền đâu để đầu tư. "Với 28 dự án xây dựng mới và cải tạo các mỏ trong quy hoạch nên chúng tôi cần lượng tiền rất lớn" - ông Hòa than thở.

Đây không phải là lần đầu tiên đại diện ngành ngành than "kêu" về vấn đề này. Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 tổ chức hôm 24/12, Bộ Tài chính cho biết, sẽ điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện cùng với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72-80% giá thành tiêu thụ than năm 2010  (Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết sẽ phấn đấu bằng khoảng 80%)
 
Ở Hội nghị này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành có trình bày, trong tổng thu 13.000 tỷ đồng của tỉnh năm 2011 thì có tới 60% là từ than. Do vậy, nếu hoạt động của Tập đoàn Than gặp khó khăn thì thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Địa phương này đề nghị Bộ Tài chính trình với Chính phủ điều chỉnh giá bán than cho điện sát với giá thị trường là 90% để tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn than.

Ông Thành cho biết, giá bán than cho điện của TKV với giá bán hiện hành đang chênh tới 1.191.000 đồng và ảnh hưởng 2.715 tỷ đồng đến thu ngân sách tỉnh Quảng Ninh đối với than.

Liên quan đến giá điện, mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ Công thương, lãnh đạo Bộ đã cho biết, để chuẩn bị cho việc vận hành thị trường điện cạnh tranh bắt đầu vào ngày 1/7 tới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký hợp đồng mua điện của một số nhà máy điện với giá tăng 5% so với năm 2011.

Bích Diệp