Vinacomin bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống "tiêu cực"

(Dân trí) - Hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa hạ triển vọng tín nhiệm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xuống ‘tiêu cực’ từ mức ‘ổn định’, đồng thời chỉ rõ ba thách thức mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt.

Trong thông báo đề ngày 27/4 của Moody’s do hãng tin Reuters đăng tải, ông Simon Wong, nhà phân tích cấp cao đồng thời là một phó chủ tịch của Moody’s cho biết: “Mức triển vọng ‘tiêu cực’ phản ánh hoạt động đầu tư cơ bản phụ thuộc nhiều vào vay nợ của Vinacomin trong môi trường lãi suất cao ở Việt Nam”.
 
Vinacomin bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống tiêu cực
(Ảnh minh họa)

Theo ông Wong, lãi suất vay vốn cao có thể sẽ khiến giảm tỷ suất lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) trên chi phí vốn vay của Vinacomin xuống dưới mức 2 lần trong vòng 12-18 tháng tới, gây áp lực cho thanh khoản của tập đoàn. Tỷ suất này của Vinacomin đã giảm về mức khoảng 2 lần vào cuối năm 2011 từ mức 7,1 lần vào cuối năm 2010.

Moody’s cho rằng, việc lãi suất vay vốn ở Việt Nam gần gấp đôi trong năm 2011 so với năm 2011 là một nguyên nhân chính khiến tỷ suất EBIT trên chi phí vốn của Vinacomin sa sút.

“Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vinacomin sẽ còn đối mặt áp lực giảm do chi phí sản xuất gia tăng, khả năng hạn chế trong việc tăng giá than và điện bán cho EVN, và hoạt động xuất khẩu suy giảm do phải đáp ứng nhu cầu than gia tăng của thị trường trong nước”, ông Wong nhận xét.

Vinacomin đang vạch ra kế hoạch cho một chương trình đầu tư cơ bản quy mô lớn nhằm tăng sản lượng than, phát triển lĩnh vực khai khoáng - luyện kim, và đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.

Theo quan điểm của Moody’s, mặc dù Vinacomin là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Chính phủ Việt Nam có thể sẽ chỉ hỗ trợ một phần nếu tập đoàn này gặp khó khăn. Vì lý do này, Moody’s không nâng điểm tín nhiệm cho Vinacomin.

Các nhà phân tích của Moody’s cho hay, định mức tín nhiệm B2 mà hãng này hiện đang dành cho Vinacomin phản ánh tầm quan trọng chiến lược của Vinacomin trong việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên than và khoáng sản của Việt Nam . Đây là một vị thế mà theo Moody’s là Vinacomin sẽ tiếp tục giữ được trong trung hạn.

Ngoài ra, theo Moody’s, định mức tín nhiệm B2 dành cho Vinacomin còn phản ánh ba thách thức chính đối với tập đoàn này: (1) chương trình đầu tư cơ bản phụ thuộc nhiều vào vay nợ của Vinacomin.(2) tiêu chuẩn, chất lượng và tính kịp thời của báo cáo tài chính hợp nhất của Vinacomin, những vấn đề liên quan tới môi trường pháp lý và những rủi ro trong môi trường kinh doanh của một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. (3) mức độ rõ ràng chưa cao trong các ý định và đường lối chiến lược của các cổ đông dài hạn.

Moody’s cho hay, khả năng nâng điểm tín nhiệm của Vinacomin trong thời gian tới là thấp vì triển vọng tín nhiệm của Vinacomin đã bị hạ về ‘tiêu cực’. Moody’s cũng tuyên bố sẽ nâng triển vọng tín nhiệm đối với Vinacomin trở lại mức ‘ổn định’nếu tỷ suất EBIT/chi phí vốn của Vinacomin vượt mức 2,5-2,75% và duy trì bền vững.

Bên cạnh đó, áp lực giảm điểm tín nhiệm đối với Vinacomin sẽ gia tăng trong ba tình huống: (1) chất lượng và tính kịp thời của báo cáo tài chính hợp nhất xấu đi. (2) Vinacomin có thêm dự án mới hoặc mở rộng các dự án đang có, làm cho tỷ suất nợ đã điều chỉnh trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) vượt quá 3,5 - 4 lần hoặc EBIT/chi phí đi vay vẫn ở dưới 2 lần. (3) xuất hiện bằng chứng về việc Vinacomin gặp khó khăn trong việc huy động vốn cần thiết để duy trì và phát triển các kế hoạch kinh doanh đang có.
 
Phương Anh
Vinacomin bị Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm xuống tiêu cực

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm