Việt Nam xuất siêu kỷ lục: Công lớn thuộc khối FDI

An Linh

(Dân trí) - Kinh tế Việt Nam vừa lập kỷ lục xuất siêu hơn 20 tỷ USD bất chấp bối cảnh đại dịch Covid-19 bủa vây nhiều nền kinh tế. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh ấy còn rất nhiều nỗi lo, thách thức.

Theo Tổng cục Thống kê, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có tăng trưởng thương mại tốt với giá trị xuất siêu đạt hơn 20,1 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, mặc dù bối cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn, nhiều nước bị giảm tăng trưởng bởi tác động của đại dịch Covid-19.

Việt Nam xuất siêu kỷ lục: Công lớn thuộc khối FDI - 1

Việt Nam xuất siêu kỷ lục, nhưng có nhiều vấn đề đáng lo

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng qua ước đạt hơn 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 254,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 234,5 tỷ USD. Nền kinh tế đạt thặng dư hơn 20,1 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt hơn 10,8 tỷ USD).

Về hàng xuất khẩu, hiện Việt Nam có 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Về nhóm hàng cụ thể, 11 tháng qua Việt Nam chủ yếu xuất đi các mặt hàng thuộc công nghiệp nặng, khoáng sản với giá trị kim ngạch hơn 138 tỷ USD, hàng công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt hơn 90,2 tỷ USD, nông lâm sản đạt hơn 18,7 tỷ USD, thủy sản chỉ khoảng 7,7 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ với kim ngạch 69,9 tỷ USD. Tiếp đó là Trung Quốc với 43,1 tỷ USD. Các nước EU đạt 32,2 tỷ USD. Các thị trường khác có kim ngạch giảm sút là ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%. Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%. Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%.

Về nhập khẩu, Việt Nam hiện nhập 34 loại hàng hóa có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD như: máy móc, linh kiện điện thoại, điện tử, nguyên liệu dệt may, da giày...

Thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc với gần 74 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường khác như Hàn Quốc đạt hơn 42 tỷ USD, ASEAN đạt hơn 27,3 tỷ USD, Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, EU là hơn 13,2 tỷ USD và Hoa Kỳ đạt hơn 12,6 tỷ USD.

Đánh giá về mức xuất siêu kỷ lục, một chuyên gia từ Tổng cục Thống kê cho rằng, sở dĩ có con số xuất siêu cao bởi tỷ lệ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Xuất khẩu tăng hơn 5,3%, trong khi nhập khẩu chỉ nhích nhẹ hơn 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hơn nữa, xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam chưa thay đổi quy mô và đối tượng, vẫn tập trung vào các đối tượng khách hàng cũ, nhiều thị trường có tính rủi ro cao như Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Đối với Trung Quốc, Việt Nam luôn gia tăng nhập siêu năm sau cao hơn năm trước và nhập siêu chủ yếu là các sản phẩm nguyên liệu, linh kiện, gia tăng sự phụ thuộc. Trong khi đó, thị trường Mỹ - thị trường chiếm gần 1/3 giá trị xuất khẩu của Việt Nam (27,5% kim ngạch) - lại chứa đựng đầy rủi ro về chính sách tỷ giá, chống bán phá giá.

Các thị trường giàu tiềm năng khác như EU, Nhật, Úc...  - nơi Việt Nam đã ký kết các FTAs thế hệ mới - tình hình xuất khẩu vẫn tăng rất chậm.

Một điểm đáng lo nữa là xuất siêu vẫn chủ yếu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Trong khi đó, khu vực trong nước vẫn nhập siêu lớn. Cụ thể, khu vực FDI xuất siêu đạt hơn 32,5 tỷ USD, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu hơn 12,4 tỷ USD.

Sự chênh lệch này một lần nữa chứng minh kinh tế Việt Nam hình thành 2 khu vực khác nhau, vai trò và vị thế khác nhau. Trong khi, khu vực FDI khai thác tốt sự mở cửa, các FTAs thế hệ mới và cơ hội xuất khẩu gia tăng, khu vực trong nước vẫn phải vật lộn với bài toán giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, tăng giá trị gia tăng, đảm bảo lợi nhuận và tìm kiếm thị trường mới.