Việt Nam "xóa sổ" mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Sáng 22/7, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội về tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Bất thành 5 chỉ tiêu Quốc hội giao

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 5 năm 2016-2021, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt khoảng 6% (giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 6,8%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt 271,2 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cuối năm 2015.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch; bội chi, nợ công giảm mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục, năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 545 tỷ USD. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, đúng hướng, thực chất. Hệ thống pháp luật cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn: Quốc hội giao 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 thì có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt.

Việt Nam xóa sổ mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025 - 1

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: Quốc Chính).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và cạnh tranh, tính độc lập tự chủ của nền kinh tế chưa cao. Kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Liên kết vùng còn lỏng lẻo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những hạn chế nêu trên có nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp; thiên tai, dịch bệnh... tác động mạnh và thường xuyên hơn, đặc biệt đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020.

Trong khi đó, một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc, có nơi còn yếu kém, chưa chặt chẽ, hiệu quả; phẩm chất, năng lực, uy tín của một bộ phận cán bộ, nhất là người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự ngang tầm nhiệm vụ; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; công tác phân tích, dự báo còn hạn chế.

Kỳ vọng bức tranh kinh tế mới

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025 ghi nhận tác động của đại dịch Covid-19, những thay đổi chiến lược, chính sách kinh tế của một số nước cũng như khả năng tận dụng các cơ hội phát triển sau đại dịch... đến khả năng tăng trưởng và phục hồi kinh tế thế giới, trong nước. Quan điểm của Chính phủ là bám sát quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Mục tiêu tổng quát của Chính phủ là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước.

"Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết và nhấn mạnh tới việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020, với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Một số chỉ tiêu quan trọng là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi NSNN bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.