Bất ngờ về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nơi từng là "chảo lửa" Covid-19

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Là những nơi dịch Covid-19 bùng phát và "càn quét" mạnh nhưng Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn là một số địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm nay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã báo cáo rõ nội dung nói trên trước Quốc hội sáng nay (22/7), về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KH-XH, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm.

Phó Thủ tướng cho biết, trong 6 tháng qua, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng không đồng đều, thiếu bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19 với biến chủng mới.

"Ở trong nước, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết và dẫn chứng một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao như: Vĩnh Phúc tăng 14,21%, Hải Phòng tăng 13,52%, Hà Nam tăng 10,41%, Bắc Giang 10,20%, Quảng Ninh 8,02%, Bắc Ninh 7,45%. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tăng trưởng 7,66%.

Bất ngờ về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nơi từng là chảo lửa Covid-19 - 1

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (Ảnh: TTXVN).

Theo Phó Thủ tướng, trong 6 tháng qua, ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 nhưng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 6 tháng chỉ tăng 1,47%, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

Bất ngờ về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nơi từng là chảo lửa Covid-19 - 2

Quốc hội nghe báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KH-XH, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm (Ảnh: TTXVN).

Nêu những hạn chế, thách thức, Phó Thủ tướng nhận định kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và bền vững. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương chậm được khắc phục; cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ

Phó Thủ tướng nêu rõ, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người dân thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, chi phí vận tải, đầu vào... tăng cao. Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực cải thiện còn chậm.

Bất ngờ về tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nơi từng là chảo lửa Covid-19 - 3

Tăng trưởng kinh tế ở những nơi là tâm "bão" Covid-19 vẫn đạt mức cao, đóng góp lớn cho nền kinh tế (Ảnh: Bá Đoàn).

Báo cáo trước Quốc hội về nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh kiên định "mục tiêu kép", thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển KT-XH.

Trước những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong thời gian còn lại của năm là rất nặng nề, khó khăn, nhưng tin tưởng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.