Việt Nam nên miễn phí ATM

“Ở Mỹ từ phát hành thẻ, truy vấn thông tin, in sao kê, mất thẻ, mất mật mã thẻ…tất cả đều miễn phí. Việt Nam cũng nên làm như vậy, thay vào đó là yêu cầu chủ thẻ duy trì một số tiền cố định trong thẻ, thì ngân hàng vẫn bù được chi phí”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu (ảnh), chuyên gia tài chính ngân hàng, đề xuất.
 
 TS. Nguyễn Trí Hiếu (ảnh), chuyên gia tài chính ngân hàng, đề xuất.

 

Số dư 2-3 triệu đồng được miễn phí

 

TS Nguyễn Trí Hiếu, nói: “Mới đây qua khung của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều ngân hàng bắt đầu tính phí. Từ phí phát hành thẻ, phí rút tiền nội mạng, ngoại mạng, in sao kê… Đó là sự khác biệt lớn giữa hệ thống ATM Mỹ và Việt Nam”.

 

Tuy nhiên, để miễn phí, Mỹ lại có các điều kiện, như yêu cầu những người sử dụng thẻ trung bình phải có số dư tối thiểu là bao nhiêu. Có ngân hàng là 100 USD, có ngân hàng lại là 200 USD. Tuy nhiên, đa số người dân ở Mỹ luôn có số dư trung bình khoảng 5.000 đến 10.000 USD trong tài khoản, tương đương 100-150 triệu đồng.

 

Theo ông, Việt Nam có nên làm như thế?

 

Đáng ra Việt Nam cũng nên miễn phí và áp dụng như thế giới. Theo tôi nên miễn phí ATM cho khách hàng và thay vào đó mình yêu cầu khách hàng giữ một số dư nào đó trong thẻ và ngân hàng sẽ dùng số tiền này để kinh doanh hoặc cho vay.

 

Vậy theo ông số dư bao nhiêu thì người sử dụng được miễn phí?

 

Tùy vào chính sách của mỗi ngân hàng để quy định. Hiện có những ngân hàng đã có chương trình nếu khách hàng duy trì số dư 500 ngàn đồng/tháng thì sẽ được miễn phí rút tiền... Còn theo công thức số dư tùy thuộc vào thu nhập bình quân trên đầu người.

 

Chẳng hạn thu nhập bình quân của người Việt Nam là 1.400 USD/năm tương đương 28 triệu đồng thì số dư mà người dân tốt nhất nên giữ trong thẻ của mình là 10%. Còn để đủ bù lỗ cho hệ thống ATM của mình thì số dư của tất cả khách hàng dùng thẻ phải 2-3 triệu đồng trong thẻ.

 

Nghĩa là ngay cả thu phí rút tiền ATM như hiện nay ngân hàng vẫn lỗ chứ không phải lãi, thưa ông?

 

Đúng vậy, nhìn hệ thống ATM giản dị thế nhưng ngốn của ngân hàng hàng triệu USD. Chẳng hạn như để mua một cái máy khoảng 40.000-50.000 USD, thậm chí là 60.000, bây giờ có máy Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20.000 USD. Nhưng ngoài đầu tư máy, ngân hàng phải trả phí thuê mặt bằng để đặt ATM, phí bảo hành bảo trì. Và quan trọng hơn nữa để cái máy đó vận hành được, ngân hàng phải trả tiền để có mạng lưới công nghệ thông tin đi cùng và mình phải trả cả phí cho công ty chuyển mạng thẻ vì trong hệ thống ngân hàng còn mạng lưới liên minh thẻ Smartlink Banknetvn... Tất cả chi phí này cộng lại tạo thành chi phí cho hệ thống ATM rất đắt đỏ.

 

Nhưng ngân hàng cũng phải chấp nhận những khoản tiền đầu tư ban đầu. Mà lỗ cái này để lời cái kia, vì thế không nên hạch toán riêng lỗ từ ATM, thưa ông?

 

Đúng là như vậy, ngân hàng thu 1.000 đồng từ khách hàng không đáng gì so với lỗ 10 ngàn đồng/giao dịch. Nếu thu phí kiểu này thì 20 năm nữa ngân hàng cũng vẫn lỗ. Vì thế ngân hàng cũng phải xác định gánh chịu lỗ để thu hút khách hàng. Khách hàng có dịch vụ và vì dịch vụ đó khách hàng đến ngân hàng và họ làm ăn với ngân hàng từ nhiều dịch vụ khác nữa. Như chuyển khoản, tín dụng thư, bảo lãnh... Từ các hoạt động này ngân hàng sẽ lấy lại chi phí của mình để có lời.

 

ATM chủ yếu để thanh toán

 

Người Việt hiện chủ yếu dùng ATM để rút tiền nên Ngân hàng buộc phải thu phí bù lỗ.
Người Việt hiện chủ yếu dùng ATM để rút tiền nên Ngân hàng buộc phải thu phí bù lỗ.

 

Thu phí cũng lỗ, mà buộc người sử dụng có số dư trong tài khoản cao thì khó thực hiện, trong khi chúng ta đang khuyến khích không dùng tiền mặt. Vậy trong bối cảnh hiện nay phải chăng chưa là lúc thưa ông?

 

“Mục đích phát hành ATM của ngân hàng là không bao giờ trở thành nguồn sinh lợi mà là nguồn chi phí. Nhưng ngân hàng buộc phải cung cấp dịch vụ ATM để lôi cuốn khách hàng. Vì trong thời buổi này ngân hàng nào không cung cấp dịch vụ ATM là cổ lỗ sĩ chẳng ai làm ăn với họ cả”.

Cũng đã đến lúc phải tiến tới nền kinh tế không dùng tiền mặt. Hiện nay các cơ quan gần như bắt buộc trả lương qua tài khoản và buộc người dân phải mở tài khoản và các dịch vụ ATM đi cùng với nó. Dĩ nhiên việc thu phí ATM không động viên được dân chúng và khiến một số người bức xúc. Nhưng cuối cùng người dân không có lựa chọn nào khác. Vì cuối cùng họ phải dùng ATM lưu trú tiền và phân phối tiền. Nên cuối cùng nếu ngân hàng có áp bao nhiêu phí dân cũng không còn sự lựa chọn nào khác.

 

Vậy theo ông sự khác biệt hệ thống ATM trên thế giới và Việt Nam lớn nhất là ở đâu?

 

Hệ thống ATM ở Mỹ có nhiều chức năng như: Đọc thông tin về thị trường chứng khoán, ngân hàng kết nối với các tổ chức kinh tế hoàn hảo hơn, lượng tiền mặt dồi dào hơn, ít bị lỗ, vận hành ATM tốt hơn về dịch vụ, nối mạng từ ngân hàng này qua ATM có thể thanh toán hầu hết tất cả các khoản chi phí trong cuộc sống mà người dân ở đây cần thanh toán như: Điện thoại, internet, học phí, mua sắm, đọc báo... Còn ATM của Việt Nam chủ yếu chỉ có ba tính năng: Rút tiền, truy vấn tài khoản, chuyển khoản trong cùng ngân hàng. Ngoài ra mới đây một vài ngân hàng đã dùng ATM trả tiền điện thoại và mua vé máy bay... nhưng còn rất hạn chế.

 

Theo tôi, phỏng đoán tỷ lệ người dùng thẻ ATM rút tiền mặt thay vì dùng thanh toán ở Việt Nam chiếm 70-80%. Còn ở Mỹ tỷ lệ rút tiền mặt khoảng 10%. Số lượng rút tiền mặt rất thấp vì một giao dịch họ bị giới hạn số lượng tiền. Chẳng hạn một lần rút chỉ khoảng 500 USD, so với số tiền họ phải trả chi phí sinh hoạt qua ATM thì rất nhỏ.

 

Tại sao rút tiền mặt qua ATM lại bị giới hạn, phải chăng họ cũng hạn chế không dùng tiền mặt, thưa ông?

 

Vì hằng ngày, mỗi buổi sáng, phải có cán bộ nhân viên đem lượng tiền mặt bỏ vào trong máy. Để khi khách hàng rút tiền thì máy nó mới nhả tiền ra. Và lượng tiền trong máy cũng rất hạn chế. Trước đây Mỹ quy định mỗi lần rút là 200 USD, nay có thể lên tới 300 USD hoặc 500 USD tùy từng ngân hàng. Ở Việt Nam có ngân hàng một lần giao dịch chỉ được rút 2 triệu đồng, cũng có nơi được rút 3 triệu.

 

Cảm ơn ông!

 

Theo Nam Thanh

Tiền Phong