1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Việt Nam đối mặt với thiếu điện nghiêm trọng năm 2020 như thế nào?

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, cả nước có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Trong đó, mức thiếu hụt tại các tỉnh miền Nam tăng cao hơn dự kiến với mức từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Nguyên nhân được cho là do hàng loạt dự án điện đang chậm triển khai.

Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng.

Theo báo cáo Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Bộ Công Thương dự báo, đến năm 2020, các phương án cơ sở sản lượng điện thương phẩm là 235 tỷ kWh và phương án cao là 245 tỷ kWh. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trong giai đoạn 2016-2020 của các phương án tương ứng là 10,34%/năm và 11,26% năm.

Dự kiến trong giai đoạn 2019-2020, các nhà máy điện được đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó: nhiệt điện than là 2.488MW, các nhà máy thuỷ điện là 592 MW, các dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW. Toàn bộ hệ thống này có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương đánh giá, lộ trình nêu trên chưa chắc đã khả thi, nguyên nhân do nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020.

Việt Nam đối mặt với thiếu điện nghiêm trọng năm 2020 như thế nào? - 1

Các dự án chậm tiến độ khiến nguy cơ thiếu điện tăng cao.

“Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020”, Bộ Công Thương cho biết.

Đáng lưu ý, số liệu các năm 2021 – 2025 cho thấy, mặc dù đã phải huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu, tuy nhiên, hệ thống điện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phụ tải khiến tình trạng thiếu điện xảy ra tại miền Nam.

Cụ thể, mức thiếu hụt tại miền Nam sẽ tăng từ 3,7 tỷ kWh năm 2021 lên gần 10 tỷ kWh năm 2022. Mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Nguyên nhân tình trạng trên chủ yếu là do hàng loạt dự án nguồn điện trong giai đoạn này bị chậm sang giai đoạn 2026-2030. Cụ thể, tiến độ các dự án khí Lô B, Các Voi Xanh đều chậm hơn so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm.

Ngoài ra, dự án nhiệt điện Kiên Giang 1 và 2 không đáp ứng tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025, thâm chí lùi sau năm 2030; dự án Ô Môn II lùi tiến độ đến năm 2025.

Điều này dẫn đến tình trạng nguồn điện dự phòng còn 20-30% trong các năm 2015-2016. Giai đoạn, 2018-2019 hầu như không còn dự phòng và sang giai đoạn 2021-2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện.

Chiều 15/7, tại trụ sở Chính phủ, Thường trực Chính phủ họp bàn các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã có kết luận, ra thông báo chi tiết nhưng việc triển khai nhiều dự án nguồn điện, nhất là dự án có quy mô lớn (dự kiến hoàn thành năm 2023) đã bị chậm tiến độ khiến xuất hiện nguy cơ thiếu điện.

Trước nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng, Thường trực Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo nhiều giải pháp căn cơ ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, đơn vị triển khai còn chậm, thiếu phối hợp, lúng túng, né tránh trách nhiệm.

Điện mặt trời không đáp ứng đủ, than hết, khí cạn, điện hạt nhân có phải “cứu cánh”?

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, công nghệ điện mặt trời đã phát triển bùng nổ tuy nhiên cũng không thể "gánh" được nguồn điện bị thiếu hụt.

“Hiện tại, tổng công suất lắp đặt toàn hệ thống điện là 48.000 MW, song mức độ khả dụng chỉ là 39.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sử dụng điện trên 10%/năm, nghĩa là năm tới phải có thêm khoảng 4.000 MW nữa, tương đương cần 43.000 MW, không biết lấy đâu ra mà sẵn sàng.

Ngoài ra, nếu lấy tổng lượng điện thương phẩm của năm 2019 là 212 tỷ kWh chia cho 365 ngày thì mỗi ngày cần khoảng 750 triệu kWh. Trong khi đó, ngày cao điểm nhất gần đây là 21/8, công suất điện mặt trời đạt 27 triệu kWh. 

Như vậy, lượng điện còn lại cần có sẵn sàng “bất kể ngày đêm” phải là 720-730 triệu kWh. Điện mặt trời quan trọng nhưng lúc cao điểm chỉ đáp ứng 27 triệu kWh/750 triệu kWh.” Ông Lâm tính toán.

Việt Nam đối mặt với thiếu điện nghiêm trọng năm 2020 như thế nào? - 2

Quay trở lại nghiên cứu điện hạt nhân có phải giải pháp tối ưu?

Theo ông Lâm, điện mặt trời chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, lượng điện thiếu hụt còn lại phải bù vào bằng các nguồn điện truyền thống khác như điện than, điện khí, thuỷ điện. Tuy nhiên, hiện nay, khai thác than khó khăn, công suất không cải thiện trong khi giá lại tăng dẫn tới phải nhập khẩu than, khí.

“Các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, chúng ta đang phải nhập khẩu than, sắp tới nhập khí hóa lỏng. Nhiệt điện cũng rất nhiều vấn đề, người dân nhiều nơi phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm. Thủy điện đã hết nguồn công suất vừa và lớn. Vì một số lý do, chúng ta phải dừng (điện hạt nhân), nhưng về lâu dài tôi lo một ngày nào đó chúng ta phải quay trở lại với điện hạt nhân”, ông Quân chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng đánh giá, Việt Nam không nên bỏ hẳn việc phát triển nguồn điện này, mà cần tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào năm 2030.

"Việt Nam dừng lại điện hạt nhân nhưng không nên bỏ hẳn. Sau năm 2030, Việt Nam thiếu năng lượng nghiêm trọng. Trong khi đó, than đã hết phải nhập khẩu. Thủy điện cũng khai thác hết, chúng ta cũng sắp sửa phải nhập khẩu khí hóa lỏng. Cho nên nếu tiếp tục không phát triển điện nguyên tử thì phải nhập khẩu rất nhiều khí hóa lỏng và than. An ninh năng lượng bị hạn chế rất nhiều", TS Nguyễn Mạnh Hiến cho biết.

Trước tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, tại buổi họp ngày 15/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị, nhất là Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần nhanh chóng giải quyết không để xảy ra tình trạng như thời gian qua.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ Công Thương phải gấp rút đổi mới phương pháp thực hiện giám sát tiến độ các dự án điện trọng điểm không để xảy ra tình trạng chậm tiến độ. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các dự án điện cấp bách, bảo đảm đủ nguồn cung than, khí cho các nhà máy điện tránh tình trạng thiếu điện trong các năm tới.

Theo: Thanh Phong

Dân Việt 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm