47 dự án điện chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện cao: Yêu cầu xem xét trách nhiệm
(Dân trí) - Báo cáo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho thấy, có 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Vì sao hàng loạt dự án điện chậm tiến độ?
Tại cuộc họp tại Bộ Công Thương sáng nay (17/7), đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã có báo cáo liên quan tới việc thực hiện các dự án năng lượng trong quy hoạch điện VII.
Báo cáo cho thấy hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, điều này đến nguy cơ thiếu đện rất cao trong thời gian tới.
Cụ thể, theo đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.
“Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết.
Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN được giao đầu tư 24 dự án (bao gồm cả dự án thủy điện tích năng Bác Ái) với tổng công suất là 15.215 MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 phải hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185 MW.
Trong tổng số 24 dự án được giao này, EVN có 9 dự án đã phát điện, 6 dự án dự kiến đúng tiến độ và tới 9 dự án chậm tiến độ.
Đối với Tập đoàn Than khoáng sản – TKV, doanh nghiệp này thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Ngoài TKV, EVN, PVN, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết nhiều dự án điện được giao cho các chủ đầu tư khác thông qua hình thức BOT. Trong tổng số có 19 dự án BOT, mới chỉ có 4 dự án đã đi vào hoạt động, còn 15 dự án đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư, các dự án đưa vào vận hành đều trong giai đoạn 2021- 2030.
Sau khi nghe báo cáo, ông Trần Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng tổng số 62 dự án để cung ứng điện mà chỉ có 15 dự án đạt tiến độ thì việc thiếu điện là rất hiện hữu.
“Nếu không có biện pháp khắc phục thì đây sẽ là khó khăn lớn thời gian tới. Trong số 47 dự án chậm tiến độ, có nhiều dự án chậm tiến độ rất lâu”, Thứ trưởng Vượng nói.
Vậy nguyên nhân là do đâu? Ông Hoàng Quốc Vượng cho biết, đặc điểm các dự án năng lượng là đều có quy mô lớn. Hầu hết các dự án nhiệt điện đều có trên 2 tỷ USD. Thời gian thi công tương đối dài với cả nghìn hạng mục phức tạp, do vậy chủ đầu tư không tìm được nhà thầu có năng lực thì rất dễ xảy ra việc kéo dài nhiều năm.
Tiếp đến một nguyên nhân khác được ông Vượng nhắc tới, đó là việc thay đổi chính sách trong bảo lãnh các dự án. Ông Vượng cho rằng, ngay cả đối với một tập đoàn có tài chính mạnh như PVN mà không có bảo lãnh của Chính phủ cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề về vốn.
“Trước kia khi có bảo lãnh của Chính phủ chỉ một năm là thu xếp được vốn, giờ không có nữa thì chắc chắn sẽ lâu hơn”, ông Vượng nói.
Ngoài ra theo ông Vượng, các quy định tại một số luật trong việc đầu tư các dự án công còn chồng chéo, thậm chí có mâu thuẫn với nhau gây nên “không ít tình huống khó xử”. Đây cũng là một trong nguyên nhân lớn khiến dự án bị kéo dài.
Cũng theo vị này, giá điện hiện nay chưa đảm bảo hiệu quả để thu hút đầu tư. Thời gian vừa qua, các dự án điện giao cho doanh nghiệp tư nhân rất nhiều. Trong số 62 dự án, có 19 dự án theo hình thức BOT.
Làm rõ vướng ở đâu, xem xét trách nhiệm từng đơn vị
Trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng lưu ý đến các giải pháp để đảm bảo nguồn cung điện khi các dự án nhiệt điện chậm tiến độ như tiết kiệm điện hay nhanh chóng thúc đẩy việc mua điện từ Lào và Trung Quốc.
Tiếp đến là đẩy nhanh thực hiện dự án năng lượng tái tạo bởi những thời gian thực hiện những dự án này nhanh hơn nhiệt điện.
Về trung hạn, ông Vượng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai. Theo đó, một tháng phải họp báo cáo một lần, 3 tháng lập đoàn kiểm tra tới các công trình 1 lần.
“Các dự án nào có vướng mắc mà đơn giản, có thể xử lý được sớm thì cần đẩy nhanh hơn”, ông Vượng nói.
Về dài hạn, ông Vượng cho rằng cần phải thay đổi cách làm tổng sơ đồ VIII. Đồng thời vị này kiến nghị cơ chế đặc thù đối với các dự án điện.
“Đặc thù ở đây không phải là đặc lợi. Nhưng những dự án hạ tầng quy mô lớn, phức tạp lại quan trọng thì cần có đặc thù”, ông Vượng nói.
Liên quan các bất cập từ chính sách khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài, ông Vượng cho rằng: Đừng cứ bám vào những cái đã có rồi không làm, không làm thì sao phát triển được. Có những cái hôm qua đúng nhưng hôm nay đã khác. Cần phải xem vướng đâu để báo cáo Chính phủ…
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh tới các đơn vị việc rà soát, thực hiện báo cáo Thủ tướng các vấn đề vượt thẩm quyền nhằm gỡ những vướng mắc khó khăn.
Ông Tuấn Anh cho rằng, đến lúc này cần có biện pháp cụ thể, quyết liệt. Việc đầu tiên là phải đồng nhất trong sự chỉ đạọ bởi điện, dầu khí là các vấn đề hạ tầng quan trọng, thiết yếu.
"Các hạ tầng khác cũng quan trọng nhưng nếu một ngày thiếu điện, một giờ thiếu điện sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn. Cần phải ưu tiên hàng đầu”, ông Tuấn Anh nói.
Đối với các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị, cơ quan liên quan rà soát lại khuôn khổ pháp lý, báo cáo, xử lý các vướng mắc.
“Làm rõ vướng ở đâu? Chậm ở đâu? Xem xét đến trách nhiệm từng đơn vị trong việc không thực hiện đúng chỉ đạo đối với tiến độ các dự án trọng điểm gây lãng phí, thất thoát”, Bộ trưởng yêu cầu.
Nguyễn Mạnh