Việt Nam có hơn 500.000 quán cà phê?

Minh Huyền

(Dân trí) - Theo thống kê của Mibrand, Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê. Tuy nhiên, trong báo cáo công bố hồi tháng 4 của một đơn vị khác, hết năm 2023, số nhà hàng/cà phê mới đạt 317.299 cửa hàng.

Theo số liệu được công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam (thuộc Media Venture Vietnam - MVV Group) công bố, giá trị thị trường quán cà phê Việt Nam đạt 11.500 tỷ đồng vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 7,56%.  

Đơn vị này cho biết Việt Nam hiện có hơn 500.000 quán cà phê, từ những cửa hiệu nhỏ lẻ tại các ngõ phố đến các chuỗi cà phê hiện đại với không gian và dịch vụ đẳng cấp. Bên cạnh những quán cà phê truyền thống mang phong cách đường phố, thị trường có nhiều cà phê có thương hiệu độc lập, với thiết kế ấn tượng và đồ uống chất lượng. Đồng thời, các chuỗi cà phê lớn cũng nhanh chóng mở rộng quy mô. 

Trong khi đó, theo báo cáo "Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023" công bố hồi tháng 4 được thực hiện bởi iPos.vn, Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam - Virac và Hệ thống kênh thông tin và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực F&B (dịch vụ và ăn uống), đến hết năm ngoái, số lượng nhà hàng/cà phê tại Việt Nam mới đạt mốc 317.299 cửa hàng, tăng 1,26% so với năm trước đó.

Mức tăng trưởng được đơn vị nghiên cứu đánh giá là thấp hơn so với dự đoán vào đầu năm 2023, do làn sóng đóng cửa của các cửa hàng F&B vừa và nhỏ, chiến lược thu hẹp quy mô chi nhánh của các doanh nghiệp lớn. Tổng doanh thu ngành F&B năm ngoái tăng 11,47% lên 590.900 tỷ đồng.

Năm 2023 cũng chứng kiến một số các ông lớn rời bỏ mặt bằng có vị trí đắc địa, đơn cử như Golden Gate, Phúc Long Coffee & Tea, Highlands Coffee… nhằm tối ưu lợi nhuận trên từng điểm bán hàng, loại bỏ các chi nhánh không hiệu quả. Ở chiều hướng ngược lại, các chuỗi F&B vừa và nhỏ lại tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ chiến lược nhượng quyền và hợp tác kinh doanh.

Quy mô thị trường cà phê Việt Nam ước tính đạt 511,03 triệu USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 763,46 triệu USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,13% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Theo Mibrand, thị trường chuỗi cà phê hiện tại đang được dẫn đầu bởi 5 thương hiệu, bao gồm Highland Coffee, Trung Nguyên e-coffee, The Coffee House, Phúc Long và Katinat. Trong đó, nổi bật nhất là Highland Coffee, công ty dẫn đầu, hiện sở hữu 721 cửa hàng trên toàn quốc.

Tiếp sau là Trung Nguyên e-coffee với 542 cửa hàng. Các thương hiệu khác như Phúc long, The Coffee House và AHA coffee cũng không kém cạnh, với lần lượt 167, 150 và 130 cửa hàng.

Bên cạnh thương hiệu lớn, các thương hiệu độc lập cũng không kém phần năng động, liên tục tung ra những ý tưởng sáng tạo về thiết kế, không gian và trải nghiệm khách hàng. Các chủ quán không ngừng sáng tạo và thử nghiệm những phong cách kiến trúc đa dạng, từ cổ điển, retro đến hiện đại, công nghiệp.

Các chủ quán cũng chú trọng đến việc tạo ra những ý tưởng độc đáo, mang tính trải nghiệm cao. Các mô hình như "ăn uống cùng động vật", "cà phê sách", "cà phê công nghệ"… thu hút được sự quan tâm lớn từ khách hàng.