Vì sao tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử?

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tăng trưởng GDP của quý 2 của Việt Nam chỉ đạt 0,36% là do bị "đứt gãy" thị trường xuất khẩu.

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 2/7, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết: Việt Nam đã chống dịch covid-19 thành công song cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.

Ông Dũng cho rằng, các ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Vì sao tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử? - 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu ở Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng ngày 2/7 tại Hà Nội

Về thực trạng tăng trưởng của Việt Nam, ông Dũng điểm qua tăng trưởng GDP của quý II/2020 của Việt Nam chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm.

Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do gần hết tháng 4 phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, dịch covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, thương mại toàn cầu, các tổ chức quốc tế liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 như: IMF dự báo âm (-) 4,9% (thấp hơn 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trước đó), WB dự báo âm (-) 5,2% là mức giảm lớn nhất từ cuộc đại suy thoái những năm 1930, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đều dược dự báo tăng trưởng âm (-) từ 5% đến sấp xỉ 10%, thương mại quốc tế giảm mạnh...

Chính vì vậy, người đứng đầu Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế, trong đó Thủ tướng là trưởng ban, các thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.

Ngoài vấn đề lập Ban Chỉ đạo chống suy thoái kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất người đứng đầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra chậm trễ, không đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do việc giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn vay nước ngoài hiện đang rất chậm.

Ngoài ra, về mua bán, sáp nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảnh báo: "Các Bộ, ngành cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát kỹ việc mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong tình hình mới".

An Linh