GDP tăng thấp nhất lịch sử thống kê, chứng khoán “nhuốm đỏ” cả 3 sàn
(Dân trí) - Mặc dù kinh tế Việt Nam không bị rơi vào tình trạng tăng trưởng âm (tức suy thoái), song tốc độ tăng trưởng lại thấp nhất 30 năm, phần nào đã tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán sáng nay.
Có tới 551 mã giảm giá và 48 mã giảm sàn trong phiên giao dịch sáng nay (29/6) trong khi chỉ có 132 mã tăng và 26 mã tăng trần.
Thị trường chứng khoán khởi động phiên giao dịch đầu tuần rất tiêu cực với sắc đỏ choán cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM.
VN-Index tạm đóng cửa giảm sâu 18,67 điểm tương ứng 2,19% còn 833,31 điểm trong khi HNX-Index cũng đánh rơi 2,27 điểm tương ứng 2% còn 111,18 điểm. UPCoM-Index giảm 0,56 điểm tương ứng 0,99% còn 55,85 điểm.
Mặc dù giá cổ phiếu giảm thấp nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn không có sự bứt phá nào. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư kể cả khi có cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ.
Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 190,09 triệu cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch là 2.727,04 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 29,34 triệu cổ phiếu tương ứng 261,54 tỷ đồng và trên UPCoM là 11,24 triệu cổ phiếu tương ứng 119,04 tỷ đồng.
Việc cổ phiếu vốn hoá lớn đồng loạt bị bán mạnh đã ảnh hưởng lớn đến diễn biến các chỉ số. VNM mất 4.000 đồng còn 111.900 đồng, SAB mất 2.200 đồng còn 162.600 đồng; VCB mất 1.800 đồng còn 81.500 đồng, VHM mất 1.600 đồng còn 74.000 đồng, MSN mất 1.500 đồng còn 54.900 đồng, GAS mất 1.300 đồng còn 70.900 đồng, VIC mất 1.200 đồng còn 90.300 đồng và BID mất 1.100 đồng còn 38.800 đồng.
Trong đó đó, VCB là mã gây thiệt hại nặng nhất cho VN-Index với 1,9 điểm; VHM là 1,53 điểm; BID là 1,26 điểm; VNM là 1,24 điểm và VIC là 1,56 điểm.
Cổ phiếu sáng nay “lên tiếng” với hoạt động tăng trần tại PSH, SHP, BCG, DAT… Tuy nhiên, ảnh hưởng của những mã này lên thị trường chung là không đáng kể.
Bên cạnh đó, CTD của Coteccons cũng gây bất ngờ khi tăng 1.200 đồng lên 68.000 đồng giữa lúc thị trường “đỏ lửa”.
Thị trường sáng nay diễn biến rất tiêu cực trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn nền kinh tế quý 2/2020 đạt 0,36% so với cùng kỳ và đạt 1,81% trong 6 tháng đầu năm.
Mức tăng trưởng này của nền kinh tế Việt Nam được cho biết là thấp nhất trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Mặc dù vậy, theo cơ quan thống kê thì đây vẫn là “thắng lợi” của cơ quan điều hành bởi kinh tế vẫn không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm giữa lúc phải ưu tiên hàng đầu đối với việc phòng chống và dập dịch Covid-19, hi sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo tính mạng và sức khoẻ người dân.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể bị âm 4,9%; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể âm 7,6%.
Trước đó, khi nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán tuần này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng lưu ý, áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu và nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng thì thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780-820 điểm trong ngắn hạn.
Hoạt động chốt NAV (giá trị tài sản ròng) bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch cuối tháng 6.
Ngoài ra, điểm tiêu cực trong ngắn hạn vẫn là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp kém tích cực.
Mai Chi