Cảnh báo GDP nguy cơ “tăng trưởng âm” trong quý 2!

(Dân trí) - Các hoạt động kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là các ngành du lịch, giải trí và công nghiệp chế biến chế tạo. Theo đó, tăng trưởng GDP quý 2/2020 dự báo sẽ suy giảm 0,6%.

Cảnh báo GDP nguy cơ “tăng trưởng âm” trong quý 2! - 1

Các hoạt động của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 (ảnh Lê Toàn/Báo Đầu tư)

Dự báo GDP quý 2 bị suy giảm 0,6% so với cùng kỳ

Báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDirect đã chỉ ra sự thu hẹp đáng kể trong các ngành dịch vụ và công nghiệp trong tháng 4 khi Chính phủ quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước trong ba tuần đầu tháng để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng của dịch Covid-19.

Cụ thể, lượng khách du lịch nước ngoài trong tháng 4 giảm mạnh 98,2% so cùng kỳ năm 2019 sau khi chính phủ tạm dừng cấp thị thực mới cho khách du lịch nước ngoài kể từ ngày 18 tháng 3.

Doanh thu du lịch lữ hành trong tháng 4/2020 giảm mạnh tới 97,5% so cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ, và doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống cũng giảm lần lượt 15.3% và 64.7% so cùng kỳ năm 2019, dựa trên dữ liệu của Tổng cục Thống kê.

Cảnh báo GDP nguy cơ “tăng trưởng âm” trong quý 2! - 2

Đối với lĩnh vực công nghiệp, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (số liệu do IHS Markit công bố) thiết lập mức thấp kỷ lục mới trong tháng 4/2020, chỉ đạt 32,7 điểm trong bối cảnh nhu cầu suy yếu (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) cũng như tác động tiêu cực từ sự gián đoạn tạm thời của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam (IIP) trong tháng 4/2020 cũng sụt giảm 10,5% so cùng kỳ và chứng kiến sự suy giảm ở hầu hết các ngành, đặc biệt là ngành sản xuất xe có động cơ (giảm 44,2% so cùng kỳ), sản xuất trang phục (giảm 17,6% so cùng kỳ), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (giảm 10,4% so cùng kỳ). Trong khi đó, chỉ có ngành sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu là tăng 29,3% so cùng kỳ và ngành sản xuất hóa chất tăng 8%.

Mặc dù, Chính phủ đã quyết định dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội từ ngày 23/4, VNDirect vẫn cho rằng, các hoạt động kinh tế cần nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt là các ngành du lịch, giải trí và công nghiệp chế biến chế tạo.

Do vậy, tổ chức này ước tính tăng trưởng GDP quý 2/2020 sẽ bị suy giảm 0,6% so cùng kỳ năm 2019 và hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 xuống còn 4,5%.

VNDirect cũng dự báo tăng trưởng GDP sẽ phục hồi nhanh trong nửa sau năm 2020 với GDP quý 3 và quý 4 tăng lần lượt là 6,0% và 7,4% so cùng kỳ năm 2019 nhờ sự phục hồi của các ngành du lịch và công nghiệp khi nhu cầu trong nước dần hồi phục sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội. Đồng thời hoạt động đầu tư công dự kiến tăng tốc kể từ quý 3/2020 cũng sẽ thúc đẩy tổng đầu tư của toàn xã hội (bao gồm cả đầu tư của khối tư nhân) từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cảnh báo GDP nguy cơ “tăng trưởng âm” trong quý 2! - 3

Đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo trong năm 2020

VNDirect nhận thấy những tín hiệu tích cực về giải ngân đầu tư công trong bối cảnh các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng khác như tiêu dùng và sản xuất công nghiệp đang trên đà suy giảm.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 4,0% của cùng kỳ 2019) và hoàn thành 17,8% kế hoạch cả năm nay (thấp hơn mức 18% của cùng kỳ 2019; cần nhấn mạnh rằng kế hoạch năm 2020 cao hơn 14% kế hoạch năm 2019). 

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công vào tháng 4/2020 vẫn tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giãn cách xã hội và Chính phủ tập trung nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Sau khi gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 23/4, VNDirect cho rằng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngày 6/4, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay trong hoạt động đầu tư công, đồng thời tăng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan nhằm ngăn chặn sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua phải tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tốc độ và hoàn thành mục tiêu bàn giao mặt bằng trong quý 2/2020. Hiện nay, toàn dự án đã giải phóng mặt bằng được trên 454 km trong tổng số 654 km, đạt 69%.

Trong khi đó dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đã giải phóng 99% diện tích khu tái định cư. Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo tỉnh phải giải ngân toàn bộ 17.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, nhằm đưa dự án vào khởi công vào năm 2021.

Cảnh báo GDP nguy cơ “tăng trưởng âm” trong quý 2! - 4

Ngày 7/4, Thủ tướng chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư tại 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Hợp tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Thủ tướng giao các Bộ liên quan nhanh chóng hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Như vậy, toàn bộ 11 dự án thành phần tại cao tốc Bắc Nam, với tổng vốn đầu tư 118,7 nghìn tỷ đồng, sẽ được chuyển sang hình thức đầu tư công.

Tương tự, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công và được áp dụng với cơ chế tương tự như các dự án tại cao tốc Bắc - Nam.

Với việc chuyển đổi hình thức đầu tư, Chính phủ muốn đưa các dự án trên khởi công ngay trong quý 3/2020, thay vì quý 1/2021 như VNDirect dự báo trước đây.

Mai Chi