Vì sao ô tô giảm giá từ nay đến cuối năm?
(Dân trí) - Dư cung, ế xe, phải chạy doanh số hoặc buộc phải thanh lý những mẫu xe cũ... đó là muôn vàn lí do khiến các hãng và đại lý xe hơi sẽ phải giảm giá ô tô từ nay đến mùa mua sắm cao điểm cuối năm.
Theo ghi nhận từ thị trường xe, bước vào tháng 7 đến tháng 8, hàng loạt hãng xe, doanh nghiệp xe nhập, đại lý bán hàng đã bước vào cuộc đua giảm giá.
Từ các hãng xe lớn như Toyota, Honda, Mitsubisbi, Nissan đến các doanh nghiệp liên doanh, lắp ráp các thương hiệu xe Nhật, Hàn tại Việt Nam như Mazda, Kia (Thaco), Hyundai (Thành Công) đều giảm giá một hoặc nhiều mẫu xe để kích thích doanh số đang eo hẹp.
Hiện, sản lượng tồn kho ngành ô tô đang rất cao, tháng 5/2020, báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết sản lượng ô tô sản xuất trong nước ước đạt 56.200 chiếc, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, chỉ số tồn kho ngành cũng tăng rất cao đạt 122,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Để đảm bảo doanh thu, lợi nhuận, các hãng xe, doanh nghiệp sản xuất ô tô buộc phải tăng sản lượng bán ra, giải phóng hàng tồn. Dư cung sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh giá xe từ nay đến cuối năm trở nên sôi động hơn.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hết tháng 6, tổng doanh số bán xe của các doanh nghiệp trực thuộc chỉ là 102.700 chiếc, giảm hơn 43.200 chiếc (tương ứng 30%) so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, rõ ràng so với sản lượng tồn kho và hoạt động bán hàng thực tế của doanh nghiệp ô tô ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán ra. Dù thị trường xe sau dịch có ổn định trở lại nhưng để giảm số tồn kho lên đến 3 con số như hiện nay thì giải quyết không phải một sớm, một chiều.
Ở thị trường xe nhập, các dòng xe nhập hiện nay có khá ít mẫu xe mới, chủ yếu vẫn là những cái tên cũ, đang chứng minh thị phần ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều mẫu xe có doanh số cao như Toyota Fotuner, Honda CRV hay Mitsubishi Xpander đã được lắp ráp tại Việt Nam.
Chính nhờ sự suy giảm của các mẫu xe nhập sẽ bắt nguồn cho làn sóng ra đời của hàng loạt mẫu xe lắp ráp trong nước với lợi thế về chi phí, thuế, các mẫu xe này đã và đang khiến giá xe cạnh tranh mạnh và giảm giá quyết liệt hơn.
Về vấn đề tiêu thụ xe hơi, trong năm 2019, toàn thị trường xe Việt Nam tiêu thụ đạt khoảng 400.000 xe, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với sự phát triển của thị trường hơn 100 triệu dân, năm 2020, nhiều kỳ vọng, doanh số bán xe có thể đạt 500.000 chiếc/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, lượng xe bán ra vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm trước và doanh số xe hơi chỉ đạt chưa đầy 1/3 sản lượng cả năm trước. Như vậy, rất khó để doanh số xe hơi năm 2020 đạt được mốc 400.000 xe/năm như năm 2019 chứ chưa nói đến chuyện sẽ vượt lên 500.000 chiếc/năm.
Nguyên nhân có thể khiến giá xe từ nay đến cuối năm giảm mạnh đó là các hãng, doanh nghiệp liên doanh đang thực hiện thanh lý hàng loạt mẫu xe cũ để chào đón mẫu xe mới.
Đơn cử như Honda CRV bản nhập Thái đang được nhiều đại lý bán để dọn chỗ cho bản xe lắp ráp trong nước. Tương tự, Kia Sorento thế hệ cũ cũng đang được bán giảm giá để hãng xe này đưa ra mẫu mới, bắt mắt hơn, cuốn hút hơn.
Mitsubishi Xpander cũng là trường hợp tương tự, mẫu xe lắp ráp trong nước mới ra mắt ngay lập tức khiến các loại xe nhập từ Indonesia giảm giá khá sâu. Việc giảm giá các mẫu xe "hot", có doanh số cao trong phân khúc đã tạo ra biến động giá lớn cho các hãng xe, mẫu xe khác, khiến cuộc đua giảm giá ngày càng thú vị hơn về cuối năm.
Nguyên nhân rất quan trọng khiến giá xe từ nay đến cuối năm giảm là do áp lực từ việc giảm 50% phí trước bạ chỉ diễn ra từ nay đến ngày 31/12/2020, sau đó phí trước bạ sẽ được thu như cũ.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp xe trong nước phải tận dụng tốt cơ hội để đẩy doanh số, nếu không, sang năm 2021, người tiêu dùng mua xe lắp ráp không còn được lợi về phí trước bạ. Và cũng vì tận dụng cơ hội, từ tháng 7 đến tháng 8, hàng loạt mẫu xe được giảm giá mạnh từ 20 triệu cho đến 200 triệu đồng/chiếc.
Nguyên nhân cuối cùng là sức mua thị trường ô tô vẫn yếu. Theo các chuyên gia về thị trường ô tô, đại lý ô tô, sự phục hồi thị trường dù được hỗ trợ từ chính sách, từ các hãng hoặc ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, doanh số bán ra vẫn khá chậm bởi: hầu hết các hoạt động ngoại thương bị ảnh hưởng, doanh thu du lịch thấp dẫn đến nhu cầu giao thông, đầu tư xe chạy dịch vụ thấp, xe dùng cho kinh doanh dịch vụ coi như không có đất sống.
Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài, thậm chí bùng phát ở nhiều địa phương đã khiến cho một bộ phận người giàu vơi cạn tiền, trong khi những người có thu nhập bình thường đang có xu hướng tiết kiệm, đổ tiền vào cất trữ hoặc đầu cơ vàng.
Trong khi các hãng xe cần doanh số, người tiêu dùng vẫn do dự thì biện pháp kích thích hợp lý nhất chính là giảm giá để kích thích mua sắm. Đây là biện pháp hợp lý nhất để các đại lý, hãng hút khách về phía mình, thúc đẩy doanh số nhằm bảo toàn hoạt động và tồn tại được.